Năm 2018, Hội nghị cao cấp Đối tác năng lượng Việt Nam – VEPG đã thông qua 40 khuyến nghị chính sách cho lĩnh vực năng lượng Việt Nam. Một số trong các khuyến nghị đã dần trở thành các Quyết định chính sách. Trong vòng một năm vừa qua, các Nhóm Công tác Kỹ thuật đã cùng chung sức, phối hợp triển khai thúc đẩy các chính sách năng lượng quan trọng với sự điều hành sát sao của Ban chỉ đạo và sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ Ban thư ký Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG). Chính vì vậy, điểm nhấn của Hội nghị Cấp cao năm nay là việc giới thiệu Bản Báo cáo Tiến độ năm 2019 bởi (VEPG). Cụ thể, Bản báo cáo đã phân tích tiến trình thực hiện bốn mươi khuyến nghị chính sách của các Nhóm Công tác Kỹ thuật VEPG (TWG).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Những khuyến nghị này được trình bày và nhận được sự đồng thuận bởi Chủ tịch và Đồng Chủ tịch của VEPG tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 năm 2018; trong đó hướng đến quá trình xây dựng và phát triển của các chính sách trọng tâm và các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong 5 lĩnh vực ưu tiên chính: Năng lượng tái tạo, Hiệu quả năng lượng, Cải cách ngành năng lượng, Tiếp cận năng lượng và Dữ liệu và thống kê năng lượng.
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam và các nhóm công tác kỹ thuật trong việc tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả và nền tảng đối thoại có giá trị; đưa chính phủ, các đối tác phát triển và các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng đến gần nhau hơn để cùng nhau hoạch định và đưa ra các khuyến nghị đối với các chính sách hiện hành mang tính chiến lược trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các nhóm công tác kỹ thuật trong năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh về những thách thức trong ngành năng lượng mà các bên cần nhận thức và cố gắng giải quyết trong những năm tới. Ngành năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có chiến lược mạnh mẽ và có tầm nhìn xa để hỗ trợ quá trình chuyển đổi Việt Nam sang nền kinh tế hiện đại, xanh và toàn diện.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn Hội nghị cấp cao lần này sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách hiệu quả cho các cơ quan liên quan của Việt Nam về phát triển ngành năng lượng. Trong đó, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo; Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm, thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38. Rất nhiều Đối tác phát triển hợp tác tích cực với Việt Nam cũng đang là đối tác quan trọng của khối ASEAN. Thứ trưởng mong rằng tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2020 nói chung và Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN nói riêng sẽ có sự hiện diện và đối thoại tích cực của các Đối tác vì một đất nước Việt Nam phát triển bền vững và một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đóng góp tích cực cho cộng đồng thế giới.
Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti cho biết, ngay tại thời điểm này, cộng đồng quốc tế đang thảo luận sôi nổi về những cách thức tốt nhất để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP 25 ở Madrid. Việt Nam - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu - có cơ hội đặt ra hướng đi cho ngành năng lượng bền vững hơn, dựa trên năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả để mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế. Việt Nam có thể yên tâm về sự hỗ trợ và giúp đỡ của Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế. "Việt Nam hiện đang ở một điểm giao quan trọng và chúng tôi đang đối mặt với cơ hội có một không hai để thay đổi ngành năng lượng tại quốc gia này" ông Pier Giorgio Aliberti nhấn mạnh.