Đánh bắt hải sản- nghề mũi nhọn ở Vĩnh Linh
Ngày 01/5/1972 tỉnh Quảng Trị giải phóng, Vĩnh Linh bắt tay xây dựng lại cơ đồ từ con số KHÔNG, khai hoang phục hóa lại ruộng nương, rà phá bom đạn còn vương vãi khắp nơi. Đây là cuộc “chiến đấu” mới trên mặt trận sản xuất, vẫn còn máu đổ, người chết và thương tích…
Gần 30 năm đổi mới của đất nước, Vĩnh Linh từng bước đi lên đầy gian nan thử thách, tạo ra một gương mặt ngày càng tươi mới, trẻ trung. Một thực tế hồi sinh bắt đầu từ tư duy mới thông qua nghị quyết các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện, thể hiện nếp nghĩ mang chí khí anh hùng trong máu thịt. Nếu không như thế thì làm sao có được một Vĩnh Linh tươi trẻ như hôm nay, như mầm xanh đâm chồi, tỏa bóng trên gốc cây đã bị đạn bom thiêu đốt. Vĩnh Linh là huyện đi đầu toàn tỉnh Quảng Trị về các nghị quyết chuyên đề mang tính bứt phá mạnh mẽ: Xây dựng lưới điện nông thôn; phát triển cao su tiểu điền; phá bỏ vườn tạp để thay thế bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao; nuôi tôm sú xuất khẩu; bê tông hóa giao thông nông thôn; dồn điền đổi thửa; cao tầng hóa trường học; thắp sáng đường quê; xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Vân Kiều 11 bản thuộc 3 xã miền núi… Từ vùng đất bị bom đạn hủy diệt tiêu điều, một sự hồi sinh nhanh chóng. Hố bom hố pháo chồng chất năm xưa được san lấp, thay vào đó là màu xanh của gần 6.900ha lúa hai vụ nối liền những vùng xanh trùng điệp của cây công nghiệp, lâm nghiệp, những vườn cây trái sum suê… Nhịp sống mới của vùng đất này đang hứa hẹn những chuyển biến năng động trong nền kinh tế thị trường.
Nhìn lại vùng quê đã từng “hạt gạo chia đôi, bát cơm sẻ nửa”, dù thiếu đói triền miên mỗi kỳ giáp hạt vẫn buộc bụng thắt lưng, đóng góp lương thực cho kháng chiến thắng lợi, mới hiểu hết sự chịu đựng phi thường của người dân. Nhìn lại cuộc sống thay đổi nhanh chóng qua từng năm mới hiểu hết sự đi lên thầm lặng từ nội lực của cả vùng đất. Thấm thía nỗi cơ cực, nghèo khổ của chuỗi tháng năm trong cơ chế bao cấp, Vĩnh Linh tìm mọi phương hướng để tạo cho mỗi thôn mỗi xã của mình phát huy hết tiềm năng lợi thế vươn dậy. Giờ đây, trên miền quê với những vùng đồi hoang hóa, những biền cát mênh mông bạc màu ngày trước đã có gần 7.300ha cao su, 945ha hồ tiêu, 342 trang trại kinh tế lớn, vừa và nhỏ đạt các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, độ che phủ của rừng đạt 50%... Các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ phát triển rộng khắp địa bàn. Gương mặt làng quê vĩnh Linh thời kỳ công nghiệp hóa nông thôn mới đã hiển diện rõ nét. Nhiều địa phương hình thành dáng dấp đô thị. Mục tiêu Vĩnh Linh đưa ra đến năm 2015 thu nhập bình quân mỗi người đạt 28 - 30 triệu đ/năm (cuối năm 2013 đã đạt trên 23,5 triệu đ/năm). Đây là mục tiêu gắn liền với một loạt cơ chế thông thoáng, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân quyết thực hiện cho kỳ được. Chỉ có như vậy mới giữ vững và phát triển nền kinh tế đa dạng với tiềm năng tại chỗ, làm cho vùng quê ngày càng giàu đẹp hơn. Địa phương nào, gia đình nào biết làm giàu sẽ được khuyến khích, biểu dương khen thưởng. Cuộc sống vật chất tăng trưởng tạo điều kiện cho đời sống tinh thần phát triển vượt xa thuở khó nghèo.Vĩnh Linh đã xây dựng và được tỉnh công nhận là huyện “Điển hình văn hóa”. Ba đơn vị: Lâm trường Bến Hải, trường THPT Vĩnh Linh, xã Vĩnh Thủy được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Mỗi thành tựu đạt được, mỗi thành công dù lớn hay nhỏ cũng thể hiện sự phấn đấu không biết mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh.
Một vinh dự to lớn, một phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước dành cho Vĩnh Linh. Đó là ngày 23/11/2011 Vĩnh Linh được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đón nhận danh hiệu vẻ vang này. Niềm tự hào đó cũng là niềm vui chung của cả tỉnh cũng như bè bạn gần xa. Những gì còn phải vươn lên, còn phải phấn đấu ở chặng đường phía trước, Vĩnh Linh đã có chiến lược từng giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn