NNVN có cuộc phỏng vấn bà Vương Thị Thu Hương (ảnh), PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long xung quanh nội dung này.
Xin bà cho biết những kết quả trong Chương trình xây dựng NTM mà tỉnh Vĩnh Long đã đạt được trong thời gian qua?
Đến nay, tỉnh có 9 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, chiếm tỉ lệ 10,1%, tăng 8 xã so với đầu năm 2012. Có 73 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm tỉ lệ 82%, tăng 16 xã so với đầu năm 2012. Có 7 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm tỉ lệ 8%, giảm 24 xã so với đầu năm 2012. Như vậy, đã có 23 xã đạt thêm từ 4 tiêu chí trở lên, trong đó có 7 xã thực hiện đạt thêm từ 5-6 tiêu chí.
Thường trực BCĐ xây dựng NTM tỉnh luôn thống nhất quan điểm đề ra những định hướng cụ thể trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Chế độ thông tin báo cáo được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và chính xác có ý nghĩa quyết định vào sự thành công bước đầu của Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện nay đã có 100% xã có đồ án quy hoạch và đề án xây dựng xã NTM được phê duyệt. Chất lượng quy hoạch cơ bản đáp ứng, yêu cầu phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển kinh tế và tổ chức SX bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và giữ gìn được bản sắc văn hóa.
Tỉnh Vĩnh Long xác định công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ của toàn dân, vì vậy thời gian qua tỉnh luôn đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư. Xin bà chia sẻ thêm về cách làm này của tỉnh và kết quả đem lại được là gì?
Để huy động nguồn lực trong xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã triển khai đa dạng nhiều hình thức cho công tác tuyên truyền. Tại các địa phương, qua sinh hoạt tại các tổ nhân dân tự quản đã gắn công tác tuyên truyền vận động để cán bộ và người dân thông suốt quan điểm, xác định được: Ai là người xây dựng NTM? Đó chính là nông dân.
Ai cùng nông dân xây dựng NTM? Đó là DN, các tổ chức xã hội, các đoàn thể. Ai hướng dẫn nông dân xây dựng NTM? Đó là tất cả các cơ quan liên quan trong bộ máy nhà nước đều phải cùng tham gia. Ai hỗ trợ giúp nông dân xây dựng NTM? Đó là Đảng và nhà nước.
Qua tuyên truyền sâu rộng người dân đã hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Ngoài ra ngay từ khi triển khai chương trình, Ban chỉ đạo NTM của tỉnh đã quan tâm phân công các DN hỗ trợ các xã điểm NTM của tỉnh và với phương châm thực hiện là huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng NTM.
Với cách làm này kết quả trong năm qua tổng số vốn DN đóng góp và huy động sức dân tham gia xây dựng NTM trên địa bàn các xã điểm khoảng hơn 248 tỉ đồng. Nếu tính riêng vốn dân đóng góp là hơn 242 tỉ đồng (tăng 126 tỉ đồng so với thống kê năm 2011).
Trong đó, nguồn lực DN đóng góp trong xây dựng NTM khoảng 6 tỉ đồng. Nổi bật là đóng góp của Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long đầu tư hỗ trợ xã điểm xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn) hơn 3,3 tỉ đồng; Liên hiệp hội Hữu nghị vận động các nguồn tài trợ hỗ trợ xã Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm) với tổng số tiền gần 2,1 tỉ đồng. Người dân tham gia hiến đất khoảng 956.625 m2 tương đương khoảng 70 tỉ đồng và hiến cây trồng, hoa màu ước tương đương số tiền khoảng hơn 8 tỉ đồng.
Đáng chú ý là xã Long Mỹ huy động dân góp đất ước khoảng 12,9 tỉ đồng, Long Phước góp đất ước khoảng 9,1 tỉ đồng, Mỹ Lộc dân góp đất ước khoảng 4,9 tỉ đồng. Người dân tham gia đóng góp kinh phí xây dựng các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã khoảng 8 tỉ đồng.
Nổi bật là xã Hòa Lộc dân đóng góp hơn 4,9 tỉ đồng; xã Hòa Bình dân đóng góp gần 1,2 tỉ đồng. Tham gia đóng góp kinh phí xây dựng các công trình công cộng (như nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí, điện, nước,…) khoảng 2,3 tỉ đồng. Nổi bật là xã Trung Hiếu huy động dân đóng góp hơn 1,3 tỉ đồng. Người dân tự chỉnh trang nhà, vườn (làm hàng rào, sơn sửa nâng cấp nhà ở đạt chuẩn, xây dựng các công trình vệ sinh…) quy đổi khoảng 155 tỉ đồng.
Năm 2013, BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long xác định phải “vượt qua chướng ngại vật” và “tăng tốc” để 22 xã điểm kịp về đích vào năm 2015. Xin bà cho biết, nếu tăng tốc có gặp khó khăn gì trong việc thực hiện các tiêu chí?
Theo số liệu tổng hợp báo cáo đến cuối năm 2012 còn 4 tiêu chí chưa có xã nào đạt (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập). Trong đó có 3 tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng, KTXH, những tiêu chí này trong quá trình thực hiện đạt tiêu chí cần phải có vốn đầu tư trong khi nguồn ngân sách thì rất hạn hẹp, huy động sức dân tại địa phương chủ yếu là hiến đất, hoa màu và đóng góp ngày công, nên rất khó đạt tiêu chí.
Người dân góp sức làm đường GTNT
Về tiêu chí thu nhập, đây tiêu chí thể hiện và đánh giá kết quả cả quá trình phấn đấu xây dựng xã NTM với trách nhiệm của cấp uỷ Đảng và chính quyền cùng phát huy nội lực của nhân dân. Tuy nhiên, Vĩnh Long là một tỉnh thuần nông, diện tích SXNN nhỏ lẻ, sẽ gặp khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho SXNN theo hướng hàng hoá. Hàng hoá nông sản chưa xây dựng được thương hiệu.
Theo bà công tác tập huấn, truyền thông có cần phải thay đổi như thế nào để đem lại hiệu quả cao hơn phục vụ cho Chương trình xây dựng NTM? Để công tác tập huấn, truyền thông có hiệu quả trước hết cần biên tập thống nhất trong cả nước về nội dung tài liệu tập huấn. Đặc biệt quan tâm hướng dẫn các cán bộ phụ trách NTM tại các xã NTM công tác quản lý quy hoạch, triển khai quy hoạch các nội dung liên quan đến đầu tư hạ tầng thiết yếu, phải trang bị cho họ kiến thức từ khâu chuẩn bị đầu, triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu và thanh quyết toán dự án. Đối với các đoàn thể chính trị xã hội phải tập huấn cho họ kiến thức về Chương trình MTQG xây dựng NTM, kỹ năng tuyên truyền vận động đoàn viên và nhân dân đóng góp nguồn lực trong xây dựng NTM. |
Bên cạnh đó ý thức của người dân trong liên kết hợp tác SX chưa cao. Đồng thời cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo việc làm, trình độ học vấn và ngành nghề được đào tạo của lao động còn nhiều bất cập… Cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân để đưa thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên 26 triệu đồng/người/năm.
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL và Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL, mỗi ấp phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn, nếu chỉ tính 22 xã điểm với 143 ấp, Vĩnh Long phải đầu tư là gần 429 tỉ cho tiêu chí này (bình quân 3 tỉ cho 1 nhà văn hóa và khu thể thao ấp).
Về tiêu chí trường học Vĩnh Long, hiện có trên 700 điểm trường tại 89 xã trong toàn tỉnh, trong đó tại 22 xã điểm NTM có trên 100 điểm trường. Hiện nay, chưa có xã nào đạt tiêu chí trường học và mức đầu tư cho 22 xã để đạt chuẩn và được công nhận đạt tiêu chí là gần 700 tỉ đồng.
Đối với tiêu chí giao thông đường liên ấp, liên xóm và nội đồng, chỉ tính riêng cho 22 xã nguồn vốn cần để đầu tư đạt tiêu chí là trên 400 tỉ đồng (trong khi ngân sách tỉnh chỉ có thể hỗ trợ được 10 tỉ đồng/xã) và nguồn vốn bố trí lồng ghép cho NTM hằng năm chỉ trên 100 tỉ. Như vậy, nguồn lực cho xây dựng NTM là rất lớn, nhất là cho xây dựng hạ tầng và phát triển SX nhưng nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thì hạn chế và sức đóng góp của nhân dân thì có hạn.
Vậy sức dân và nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước thì có hạn, trong khi chúng ta tuyên truyền để người dân hiểu họ là chủ thể xây dựng NTM, xây dựng theo định hướng của Bộ tiêu chí quốc gia và quy mô như thế nào để phù hợp với yêu cầu của người dân và do người dân quyết định nhưng quả thật tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa thì yêu cầu của người dân Vĩnh Long chưa cần đến quy mô như quy định tại các thông tư của Bộ VHTTDL.
Xin cảm ơn bà!
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn