Định hướng đúng và trúng
Ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12.2.1950, trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên. Ngày 26.1.1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Và, sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 1.1996 Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ra nghị định tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Cáp treo lên đỉnh Tây Thiên, một trong các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Vĩnh Phúc ngày càng hút khách. Ảnh: V.T
“Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn; sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường. Bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”.
|
Sau khi tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, thu ngân sách thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, đời sống người dân còn rất khó khăn. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã quyết tâm, phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng nhanh, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Theo tài liệu ghi lại, tại thời điểm tái lập, căn cứ tình hình thực tiễn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, phát triển du lịch làm mũi nhọn; coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút, phát triển kinh tế…
Nhờ đó từ một tỉnh nghèo, thuần nông, thu ngân sách đạt hơn 114 tỷ đồng/năm, thu nhập đầu người chỉ đạt gần 140 USD/năm (bằng 48% bình quân chung cả nước), đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành một trong các tỉnh có tổng thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước. Là trung tâm sản xuất ôtô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có những năm đạt trên 20%, (giai đoạn 1997-2014) đạt gần 14,8%/năm, năm 2015 đạt 6,97%, 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,4%. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, cụ thể: Năm 2015 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 62,12%; dịch vụ chiếm 28,11% và nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn 9,77%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 67,1 triệu đồng/người/năm (năm 1997 là 2,13 triệu đồng/người/năm).
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Vĩnh Phúc như Honda, Toyota, Piaggio, Jawwa... sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu... Lũy kế đến hết tháng 9.2016, trên địa bàn tỉnh có 855 dự án đầu tư còn hiệu lực gồm: 226 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 3.473 triệu USD; 629 dự án DDI với số vốn đăng ký là 49.261 tỷ đồng. Tiểu thủ công nghiệp làng nghề được quan tâm, bảo tồn, duy trì và phát triển.
Không chỉ phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp cũng được tỉnh rất chú trọng. Cụ thể, năm 2006 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân” và HĐND tỉnh ban hành 27 nghị quyết cụ thể cho từng lĩnh vực. Nhờ đó, đã đạt được kết rất cao trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh với phương thức sản xuất tiên tiến và là một trong các tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất ba ba; chăn nuôi khẳng định là ngành sản xuất chính, đem lại giá trị thu nhập cao...
Ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn
9 tháng đầu năm 2016 đạt 22.362 tỷ đồng (bằng 87% dự toán năm) |
Trong nhiều năm qua, các lĩnh vực của khu vực dịch vụ đều có tăng trưởng, sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng. Có được kết quả này, là nhờ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các ban, ngành tập trung phát triển 5 lĩnh vực dịch vụ có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh như: Du lịch, thương mại, y tế, giáo dục và vận tải.
Theo đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, nâng cấp các khu du lịch như: Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc và hiện đang khai thác ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, các công trình văn hoá, du lịch như Quảng trường Hồ Chí Minh, nhà hát, Văn Miếu tỉnh, Khu danh thắng Tây Thiên cũng được tỉnh “mạnh tay” đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và thu hút hàng triệu lượt khách ngoài tỉnh đến với Vĩnh Phúc.
Dịch vụ giáo dục, y tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực và bước đầu có triển vọng tốt. Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đi lại của nhân dân. Dịch vụ tín dụng, ngân hàng đáp ứng nhu cầu của xã hội; nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý.
Hạ tầng điện được phát triển rộng khắp, 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia. Đô thị phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Vĩnh Yên trở thành đô thị loại II; Phúc Yên trở thành đô thị loại III; 20 thị trấn, xã được công nhận là đô thị loại V. Tỷ lệ dân cư đô thị chiếm trên 30%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, đã có 2 huyện (Yên Lac, Bình Xuyên) và 68 xã (chiếm 60,7%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Về công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới, chất lượng giữ ổn định ở mức cao. Hết năm 2015, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 66%. Vĩnh Phúc 1 trong 5 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm thường xuyên. Đến năm 2015 đầu tư cho ngành y tế đạt mức 7% tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh; đạt tỷ lệ 25,1 giường/vạn dân, 8,5 bác sĩ/vạn dân. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được cải thiện, đã triển khai ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em được duy trì thường xuyên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang thực hiện rất tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, còn 2,5% năm 2015; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 71% năm 2015…
Với những thành tích xuất sắc đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tác giả bài viết: Việt Tùng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn