Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh năm 2011, đã xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới khá hoàn chỉnh. Sau 3 năm thực hiện, đã có 20 xã được công nhận đạt chuẩn
Vĩnh Phúc đang là một trong những tỉnh đẫn đầu cả nước về công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, về hệ thống chính sách của tỉnh cho xây dựng nông thôn mới và về tỷ lệ xã đạt chuẩn.
Để có được thành quả đó, có rất nhiều tập thể, cá nhân đã dành nhiều tâm huyết, không quản ngại khó khăn, lao tâm, khổ tứ, lăn lộn với cơ sở, chẳng quản ngày đêm tham mưu cho lãnh đạo đề ra những chương trình, dự án, đề án, nghị quyết… về xây dựng nông thôn mới và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Từ những ngày đầu được chọn làm điểm thôn nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (năm 2007) ở thôn Hạ, xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô: Chưa có bài vở nào cả, lãnh đạo Bộ và các chuyên gia tư vấn đến truyền đạt cho cán bộ và nhân dân trong thôn hãy “mơ” xem mình cần ngay cái gì, 5-10 năm sau cần cái gì thì kê ra để lên kế hoạch tổ chức thực hiện. Vậy mà bằng tâm, sức của mình, được sự giúp sức của cán bộ các cơ quan cấp trên, sự tâm huyết của bác Hà, bí thư chi bộ, trưởng ban phát triển thôn, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhân dân thôn Hạ đã xây dựng được nhà văn hóa, sân thể thao, đường điện, đường làng ngõ xóm, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả đời sống vật chất và tinh thần. Tổng kết điểm, thôn Hạ được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá cao, là một trong những căn cứ thực tiễn để Chính phủ xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
Tiếp đến là các cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - những người đã tâm huyết, trăn trở, sâu sát, lăn lộn từ thôn Hạ, góp phần vào thành công của điểm. Sau khi có Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhất là sau khi có Quyết định 800 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới, họ lại học hỏi, sưu tầm, soạn thảo, đôn đốc, tổng hợp để tham mưu cho lãnh đạo sở, lãnh đạo tỉnh có được Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020. Đó là anh chị em Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, luôn trong trạng thái “căng ra” để thực thi nhiệm vụ giúp lãnh đạo Sở, lãnh đạo tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Có người đã không đủ sức đi họp sau đêm trắng thức soạn thảo văn bản phục vụ hội nghị.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đã dấy lên phong trào thi đua sâu rộng nhất từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, nhất là các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới đều có những cán bộ, chuyên viên rất nhiệt tình, hăng hái tham gia chỉ đạo, giúp cơ sở đạt tiêu chí chất lượng cao.
Tập trung ở tỉnh là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh - người luôn tâm huyết với “Tam nông”. Có giai đoạn hằng tuần, hằng ngày, đồng chí đều dành thời gian nghe báo cáo về tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tất cả các chủ trương, chính sách của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đều có sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp huyện đều đã có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.
Ở cấp xã có rất nhiều điển hình, nổi trội là 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013. Trong đó có xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô không phải là xã được chọn làm điểm cũng phấn đấu đạt chuẩn. Xã Bồ Lý, một xã miền núi (khu vực II), có 4/12 thôn thuộc diện 135 cũng đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Liên Châu - một điển hình đạt chuẩn cao, được Thủ tướng Chỉnh phủ thưởng nóng 1 tỷ đồng, sánh ngang 26 xã được khen của toàn quốc. 3 năm 2011-2013, có 1.632 hộ đã hiến 483.676 m2 đất và góp 94.479 ngày công cho xây dựng các công trình nông thôn mới. Đó là những điểm sáng góp phần làm cho bình quân mỗi xã đạt chuẩn từ 6,6 tiêu chí năm 2010 lên 11,46 tiêu chí năm 2013. Hết năm 2014, đang có xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên – xã điểm năm 2013 chưa đạt và 17 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2014 cộng với hai xã Tam Hồng, Đồng Văn (Yên Lạc) – chưa được tỉnh hỗ trợ vốn, được các huyện, thành, thị báo cáo đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn. Đó là những điểm sáng mới, đóng góp tích cực vào phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bình quân mỗi xã của tỉnh đã đạt gần 15 tiêu chí. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được thường xuyên nâng cao.
Với những thành quả đã đạt được, năm 2015, UBND tỉnh đã duyệt 20 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tỷ lệ đạt chuẩn toàn tỉnh lên 50%. Như vậy mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra là phấn đấu đến 2015 có 35 - 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới chắc chắn đạt và vượt./.
(Bài: đ/c Nguyễn Ngọc Thanh - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Tỉnh Vĩnh Phúc)
Nguồn: nongthonmoi.gov.vn