Theo đó, để kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản, các HTX hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ sản xuất; xây dựng các khu sơ chế với đầy đủ các thiết bị thuận lợi cho việc sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm.
Chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ cao
Theo ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, không có con đường nào khác là phải đầu tư khoa học, công nghệ cao kết hợp với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương nhằm giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm.
Đưa rau an toàn vào bảo quản trong kho lạnh trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ ở một đơn vị sản xuất rau an toàn ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hải Đăng
"Sắp tới tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng KHCN về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản và chế biến sản phẩm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm...”. Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc |
Bên cạnh đó cần nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm nông sản bằng việc xây dựng thương hiệu nông sản sạch và xúc tiến thương mại để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Cùng với đó, nhiều đơn vị sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn đã tích cực đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao như công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng trọt, hệ thống cung cấp nước, thức ăn tự động trong chăn nuôi... Theo ông Dũng, thậm chí, một số HTX trên địa bàn tỉnh còn xây dựng khu bảo quản lạnh phục vụ cho việc bảo quản các loại rau được lâu và giữ nguyên chất lượng sản phẩm.
Về việc tiêu thụ sản phẩm, từ tháng 6.2017, một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp đưa các sản phẩm rau an toàn vào hệ thống siêu thị như: Vinmart, Alohal, Viet fao vet, Lotte… với sản lượng từ 10 - 15 tấn rau, củ, quả/tháng.
Cũng theo ông Dũng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, nhất là việc tổ chức hoạt động sản xuất của các HTX kiểu mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; kết nối với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho một số doanh nghiệp và HTX.
Làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc
Để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm nông sản an toàn, ông Nguyễn Bá Tuệ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: "Giải pháp quan trọng là sản phẩm bày bán phải truy xuất được nguồn gốc (bằng nhãn mác hoặc sổ ghi chép theo dõi nhập hàng hoặc mua hàng tại những nơi có địa chỉ rõ ràng) để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Để người tiêu dùng tiếp cận với nông sản an toàn, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các cấp trong việc vận động người dân tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, cũng như ngăn ngừa sản phẩm nông nghiệp không đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với người tiêu dùng nên quan tâm, lựa chọn mua nông sản tại các cơ sở kinh doanh có địa chỉ rõ ràng, đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm".
Cũng theo ông Tuệ, hơn ai hết, người tiêu dùng phải là một mắt xích quan trọng trong việc giám sát chất lượng nông sản, là người quyết định trong việc ngăn ngừa và loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Theo Hải Đăng/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn