Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Huyện đã chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ tích cực cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều năm trước trên vùng đất đồi, người dân chủ yếu chỉ trồng các loại cây lấy gỗ, có hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ vốn, giống, phân bón và được tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Qua quá trình sản xuất, người dân có thêm thu nhập, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 35% theo tiêu chí mới (năm 2015) đã giảm xuống còn 25% (cuối năm 2017).
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện có hơn 1.000ha. Trong đó, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa như cây bưởi Diễn, thanh long ở Tràng Xá, cây ổi, quýt ở Phú Thượng, cây na ở La Hiên, cây cam Vinh và cây nhãn ở Lâu Thượng. Đồng thời cũng hình thành vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại La Hiên, Phú Thượng và cây ba kích ở Nghinh Tường.
Những tấm gương phát triển kinh tế giỏi
Để tận mắt được thấy những đổi thay trong sản xuất của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Hãn, xóm Là Liu, xã Tràng Xá, một hộ dân làm kinh tế giỏi từ mô hình kinh tế vườn rừng. Qua trao đổi với ông Hãn, được biết từ năm 2011, huyện Võ Nhai đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả và hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người dân. Theo đó, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã đầu tư cho gia đình ông 300 gốc bưởi Diễn. Nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật và cả gia đình chung tay chăm sóc tốt, cây bưởi Diễn phát triển rất nhanh và tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Đến nay là năm thứ 4 vườn bưởi đã cho thu hoạch với hiệu qủa kinh tế rất cao. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu được khoảng 200 triệu đồng mỗi năm từ quả bưởi Diễn. Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ khác trong xóm cũng có thu hoạch tốt từ loại cây này. Do đó xã cũng đang có kế hoạch nâng cao diện tích cây bưởi Diễn trong các năm tới.
Đến thăm một hộ dân khác trong xã Tràng Xá cũng là hộ gia đình điển hình về phát triển kinh tế vườn rừng, chúng tôi được ông Hoàng Văn Ninh, ngụ xóm Thành Tiến chia sẻ: Gia đình có 18 ha đất sản xuất, sau khi được Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ, ông dành phần lớn diện tích trồng cây lấy gỗ, đồng thời dành 5 ha đất nuôi lợn, gà, trồng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, cam, chanh và đào 3 ao thả cá. Năm 2017 ông thu được từ trồng trọt, chăn nuôi tổng số là trên 500 triệu đồng.
Ông Dương Văn Súa tại xóm Chòi Hồng tâm sự: Từ nguồn vốn của Đề án, gia đình ông được hỗ trợ trên 30 triệu đồng và giống ngô lai chịu hạn, phân bón. Phần lớn số vốn ông dành để mua trâu sinh sản về nuôi. Cả gia đình ra sức gieo trồng, chăm sóc cây ngô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng ngô lai. Qua quá trình sản xuất, cho hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Đến nay gia đình ông đã ngày càng vươn lên, xóa được đói giảm được nghèo và bắt đầu làm giàu.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả của Đề án
Theo ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp có tổng nguồn vốn thực hiện trên 8,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trên 5,3 tỷ để hỗ trợ 60% giá giống cây ăn quả, 40% còn lại dùng cho trợ giá phân bón, cải tạo vườn cây ăn quả, tập huấn và xây dựng mô hình VietGap… Những chính sách ưu đãi trên đã giúp bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có kinh tế vườn rừng đạt hiệu quả cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Thời gian tới, huyện tiếp tục định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả kinh tế cao. Mở rộng thêm diện tích các vùng chuyên canh tập trung. Tích cực tìm hướng đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thái Nam, với tổng kinh phí thực hiện lên tới hàng trăm tỷ đồng, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh về cơ bản đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt, như hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, giúp bà con thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả rất hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Các hệ thống đường giao thông, lưới điện, nhà văn hóa, các công trình nước sạch cho đồng bào, kể cả tại vùng sâu vùng xa cũng đã được cơ bản xây dựng và đi vào hoạt động, phục vụ người dân trên địa bàn.
Theo Quỳnh Đào/doanhnghiepvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn