Nhu cầu thịt đỏ gia tăng
Bà Trần Ngọc Yến - Giám đốc Công ty Phân tích thị trường Agromonitor cho biết, năm 2016, số lượng đàn bò của Việt Nam giảm so với năm 2010 nhưng sản lượng lại tăng do trọng lượng bình quân giết mổ tăng.
Một trang trại nuôi bò giống và bò thịt từ nguồn nhập khẩu ở huyện Tri Tôn, An Giang. Ảnh: T.B
Chăn nuôi bò nói chung cần quan tâm hơn tới công tác chủ động sản xuất con giống có chất lượng, vì khâu này đóng vai trò then chốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi”. Ông Hoàng Thanh Vân
|
“Tuy nhiên, trọng lượng bình quân giết mổ bò thịt của Việt Nam vẫn còn quá thấp khi chỉ đạt trên dưới 190kg/con” - bà Yến nói.
Theo thống kê của Agromonitor, sản lượng nhập khẩu bò sống về Việt Nam tăng mạnh từ năm 2012 trở lại đây, nhất là nguồn cung từ Úc. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 400.000 con trâu, bò sống từ Úc, Thái Lan và một số nước khác. Chưa kể lượng bò từ Campuchia và Myanmar về Việt Nam mỗi năm khoảng 200.000 - 300.000 con.
Năm 2016, nhập khẩu thịt trâu/bò tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh từ Úc và Mỹ về Việt Nam cũng tăng gấp gần 6 lần so với năm 2011.
Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu thịt và gia súc Úc (MLA), tiêu thụ thịt bò của Việt Nam năm 2016 đạt gần 250.000 tấn, tiếp tục tăng so với các năm trước. Nhưng ngành chăn nuôi trong nước vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém từ quy mô, giá thành, kiểm soát dịch bệnh, chất lượng con giống cho đến giết mổ và tiêu thụ.
Năm 2016, tổng đàn bò thịt cả nước đạt 5,2 triệu con; sản lượng bò hơi xuất chuồng trong nước đạt hơn 300.000 tấn. Sản lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy, số lượng bò nguyên con nhập về vỗ béo rồi giết thịt, cũng như thịt bò được nhập khẩu về Việt Nam tăng nhanh, chủ yếu từ Úc.
Triển vọng từ nuôi bò vỗ béo ở trang trại
Đánh giá tổng thể bức tranh ngành chăn nuôi trong nước, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Ngành chăn nuôi bò thịt có mức tăng trưởng từ 3 – 5% nhưng chỉ chiếm 6,5% tổng lượng thịt tiêu thụ toàn quốc. Điều này rất đáng báo động vì dư địa phát triển ngành còn quá lớn”.
Trong 4 năm trở lại đây, chăn nuôi bò thịt của Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Bên cạnh chăn nuôi quy mô nông hộ đã có những cơ sở chăn nuôi của các doanh nghiệp từ vài trăm con đến hàng chục ngàn con bò thịt. Kỹ nghệ nuôi vỗ béo đang áp ở các doanh nghiệp được đánh giá mang lại nhiều triển vọng khi khép kín chuỗi giá trị sản phẩm từ chăn nuôi đến chế biến.
Chọn mua bò gầy ốm, sau 2 tháng vỗ béo, nhiều hộ dân ở làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn (Bình Định) thu lãi từ 4-5 triệu đồng/con. Ảnh: Phương Thảo/Vnexpress.
Theo TS Phạm Kim Cương (Viện Chăn nuôi), để phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là vỗ béo có hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tiến bộ di truyền giống trên thế giới đã cung cấp rất nhiều lựa chọn các giống bò thịt có thể sử dụng ở Việt nam. Các doanh nghiệp muốn thâm canh chăn nuôi bò thịt thì lựa chọn tốt nhất là những nhóm giống đã thích ứng tốt với điều kiện nhiệt đới. Hầu hết bò nhập từ Úc về Việt Nam gần đây để vỗ béo thuộc nhóm này hoặc các con lai của chúng.
Điều mà TS Cương lưu ý là quy hoạch vùng sản xuất thức ăn thô xanh. Nuôi thâm canh hay quảng canh đều cần phải có thức ăn thô xanh vì bò là gia súc tiêu hóa dạ cỏ. Đây là việc cần được làm đầu tiên trong điều kiện Việt Nam đất đai không nhiều.
Theo: Nguyễn Vỹ/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn