Khó từ nhiều phía
Nguồn vốn hỗ trợ hộ chính sách tối đa 30 triệu đồng không đủ để hộ dân phát triển các mô hình lớn. Trong ảnh: Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ giải quyết thủ tục vay vốn cho nông dân. |
Quảng Ninh không phải là một tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn về diện tích và dân số. Việc phát triển khu vực này có ý nghĩa quan trọng để thực hiện những mục tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, trong những năm qua, vốn tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng được gia tăng và nhanh chóng được các hộ dân tiếp cận. Mặc dù vậy, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn vẫn được đánh giá là còn nhiều hạn chế, hiệu quả thực hiện chưa đạt được như mong muốn do rất nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại (NHTM), đối tượng vay vốn nông nghiệp, nông thôn thông thường không đủ tài sản để đảm bảo cho các khoản vay của mình. Việc thực hiện tín chấp theo Nghị định 41 lại không được các NHTM thực hiện để đảm bảo tính an toàn trong tín dụng. Do đó, việc quyết định cho vay lĩnh vực này ở các NHTM khá hạn chế. Ngay cả khi được NHTM giải quyết vay vốn thì khả năng trả lãi ngân hàng của khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng rất hạn chế. Vì mức lãi suất áp dụng cho vay ở mức rất cao, tương đương với các lĩnh vực vay vốn khác (từ 15-17%/ năm). Trong khi sản xuất nông nghiệp luôn mang tính rủi ro không báo trước.
Vốn vay tại NHTM khó khăn đã đành, nhưng ngay cả đối với nguồn vốn theo các chương trình chính sách cũng không phải không có những rào cản ngăn vốn đến với người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Không phải đối tượng nông nghiệp, nông thôn nào cũng đủ điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn vay. Các chương trình tín dụng chính sách hiện nay chủ yếu ưu tiên cho một số đối tượng chính sách theo diện hẹp. Vì thế, không phải đối tượng chính sách nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Cụ thể như vốn chính sách chỉ dành cho hộ nghèo, các đối tượng hộ cận nghèo không nằm trong diện để xét được vay vốn. Trong khi ai cũng biết nhiều khi khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện nay không chênh lệch nhau là mấy. Cũng do điều này mà đã có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khi “hộ cận nghèo tha thiết xin... được trở thành hộ nghèo”.
Vốn có nhưng dân chưa “bắt” mô hình
Có được nguồn vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất đã khó khăn, thế nhưng, để nguồn vốn tín dụng thực sự phát huy hiệu quả ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng không phải là một việc làm dễ dàng.
Thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu xây dựng và triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình sản xuất (hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, con giống, thức ăn...). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Xây dựng Nông thôn mới của tỉnh thì hiệu quả đạt được từ các mô hình sản xuất vẫn chưa như mong đợi. Nguyên nhân do sự ỷ lại, tính trông chờ của người dân trong sản xuất nông nghiệp vẫn rất lớn. Ở một số nơi, các mô hình sản xuất do Nhà nước và tỉnh hỗ trợ từ ngân sách thực hiện cầm chừng thiếu tính hiệu quả. Người dân chỉ thực hiện khi có vốn chứ chưa có ý thức phát triển hay nhân rộng mô hình. Khi vốn hết thì mô hình cũng dừng lại. Bên cạnh đó, cũng có nhiều mô hình khi triển khai đã không có nghiên cứu kỹ các yếu tố như: Thói quen canh tác, tập tục sinh hoạt, thổ nhưỡng, thời tiết... khu vực triển khai mô hình; việc tuyên truyền phổ biến mô hình có nơi làm hời hợt chưa đến nơi đến chốn. Do vậy, nông dân không mặn mà với mô hình.
Thêm một khó khăn nữa, đối với các hộ đã được giải quyết cho vay vốn chính sách, mức vay hiện nay cao nhất chỉ 30 triệu đồng/hộ nên không thể đủ để phát triển các mô hình sản xuất tạo sản phẩm hàng hoá mà chỉ có tác dụng xoá đói giảm nghèo. Do đó, rất nhiều mô hình hay ở khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể bị “lãng quên” do người dân không đủ điều kiện phát triển mô hình.
Câu chuyện gia tăng nguồn vốn và nâng cao chất lượng vốn tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn đến nay không còn mới. Cũng không thể phủ nhận những chính sách ưu đãi dành cho khu vực này. Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo vấn đề, rõ ràng phải có thêm nhiều giải pháp tạo sự thay đổi hiệu quả hơn nữa. Được biết, hiện nay, các ban, ngành liên quan của tỉnh như Ngân hàng Nhà nước, Ban Nông thôn mới, Sở Công thương, Sở NN&PTNN... đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất cho khu vực nông nghiệp, nông thôn báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Theo BaoQuangNinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn