Vợ chồng anh Nguyễn Quang Ngọc và chị Phan Thị Thu (thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy) từ nhiều năm trước cùng một số người nữa mày mò học nuôi chim cút. Khi nuôi thì chim chậm lớn, đẻ trứng thưa. “Có lúc, tôi tưởng như phải chuyển nghề khác vì chẳng lời lãi được bao nhiêu do lượng chim chết ngày càng nhiều”, anh Ngọc nhớ lại.
Trong trang trại nuôi chim cút. |
Cầm cự cho đến năm 2013 thì toàn bộ trang trại nuôi chim cút của anh gần như bị xóa sổ do thiên tai. “Trời không đè chết ai bao giờ”, suy tính như vậy và anh Ngọc thêm quyết tâm theo nghề bằng được.
Để có thêm kinh nghiệm, anh khăn gói nhảy tàu ra Hà Nội, lúc vào Quảng Ngãi để “tầm sư học đạo”. Hay cứ nghe thông tin ở đâu nuôi chim cút giỏi là tìm đến học cách làm của họ. Có quyết tâm thì có thành công. Qua nhiều lần thất bại và dần đến ổn định. Khi hội tụ đầy đủ kinh nghiệm, anh dồn vốn liếng để đầu tư trang trại với quy trình chăn nuôi đã được tự động hóa. Đến nay, trang trại của anh Ngọc có tổng diện tích trên 2ha, trong đó, anh làm 3 trại nuôi từ 25.000 đến 35.000 con chim cút.
Khi chúng tôi ghé thăm trang trại, anh Nguyễn Văn Quý (người làm của anh Ngọc) đưa vào xem một trại chim cút đang kỳ thu hoạch trứng. Theo anh Quý, chim được cho ăn 2 lần/ngày và cứ 2 ngày dọn trứng một lần. “Hiện tỷ lệ chim đẻ trứng đạt trên 80%. Trung bình mỗi ngày, xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 trứng cút ngang, 12.000 trứng cút lộn, 500 con chim cút thịt. Trứng và chim cút thịt được cung cấp thường xuyên cho thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Anh Quý cũng chia sẻ, nuôi chim cút quan trọng nhất là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng. Bình quân một chu kỳ sinh trưởng của chim cút trong vòng khoảng 8 tháng.
Sau 35 ngày tuổi, chim cút bắt đầu đẻ trứng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi con chim cút đẻ 1 quả trứng/ngày. “Ngoài bán trứng tươi, một phần còn lại được cho vào 6 lò ấp để tạo thành trứng lộn và nguồn giống mới cho các lứa sau", anh Quý cho biết thêm.
Theo anh Ngọc, nếu tính riêng thu nhập từ bán chim và trứng cút, mỗi năm, gia đình có lãi khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài nuôi chim cút, với diện tích mặt hồ nuôi cá khoảng 1ha, gia đình có thu vài trăm triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Hữu Dĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung đánh giá, mô hình nuôi chim cút của họ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và giúp đỡ vốn, vật tư nông nghiệp cho hàng chục hộ nông dân khác trong xã vươn lên thoát nghèo.
Nhiều hộ gia đình ở vùng biển Ngư Thủy Trung cũng đã tạo nên được hướng đi riêng của mình để phát triển kinh tế. Các gia đình ở thôn Trung Nam tìm hiểu và sơ chế sứa biển thành móm ăn đặc sản.
Ngư dân Ngô Trung Tiến cho biết, nguồn sứa biển ở đây rất dồi dào, giá rẻ nên các hộ gia đình mua về sơ chế làm sứa khô và nhập cho thương lái. “Mỗi năm, chúng tôi thu mua và sơ chế bán ra thị trường khoảng 22 tấn sứa, thu về khoảng 2,5 tỷ đồng”, ông Tiến cho hay. Được biết, ngư dân xã Ngư Thủy Trung đang tiếp tục đầu tư công nghệ để đưa món sứa thành mặt hàng tiêu biểu cho chương trình “mỗi xã một ẩn phẩm” trong xây dựng nông thôn mới mà huyện Lệ Thủy phát động.
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, anh Ngô Trí Quang sánh duyên cùng cô bạn học sau vài khóa Nguyễn Thị Ngọc Nhung ở thôn Bắc Hòa (xã Ngư Thủy Bắc) vào năm 2014.
“Vùng cát bạc màu vẫn làm giàu được”, quyết tâm đó của anh Quang được vợ động viên đêm ngày. Hai vợ chồng thuê, mua được vùng đất khoảng 2.000 m2 bên đường rồi vạch kế hoạch… làm ăn. Vốn ít, vợ chồng trẻ hết nội đến ngoại, bạn bè và ngân hàng để có vốn ban đầu. Tìm kiếm trên mạng, đi học hỏi các mô hình khác cộng với vốn sống tích lũy được từ những năm tháng quăng quật mưu sinh ở Sài Gòn giúp cho Quang mạnh dạn trong những bước đi ban đầu.
|
Mô hình rau sạch nhà màng của anh Quang. |
Trong khi nhà màng, Quang quy hoạch hệ thống tưới tự động, hồ nuôi cá tạo vùng tiểu khí hậu mát mẻ, nơi ủ phân hữu cơ… Những cây trồng ban đầu được hai vợ chồng chọn là dưa lưới, táo xanh các loại theo mùa nào thức đó. Những năm đầu, cứ thu hoạch ra là hai vợ chồng lại tất tả ngược xuôi đưa ra thị trường. Phần bán, phần cho và kèm theo lời giới thiệu về một nguồn rau sạch trên vùng cát ở xứ biển. Cũng lắm lúc, rau chở đi chở về vì bán không hết. Rau ở trang trại thì đang vụ thu hoạch mà không người mua. Nhìn rau, hai vợ chồng thở không ra hơi.
Không nản lòng, hai vợ chồng cần mẫn chở rau đi các điểm đông người ngồi bán lẻ từng mớ. Dần dà, người ta thấy rau của vợ chồng trẻ ăn ngon, ngọt và xanh sạch nên mua nhiều hơn. Bán hết được lứa rau, tính toán lại không còn lỗ nữa, Quang ôm vợ: “Ngày mai xuống vụ mới”.
Bây giờ, trại rau của Quang đi vào trồng rau trái vụ. Đưa chúng tôi ra trại, Quang nói, em mới thu hoạch xong vụ dưa lưới, đang gối vào vụ dưa hấu. Dưa hấu khoảng tháng nữa là có quả. Bên khu kia là vùng cà chua bi trái vụ. Nhiều cây đã chín bói, chừng tuần nữa là thu hoạch đại trà. Trái vụ năng suất có giảm nhưng bù lại là giá bán cao.
Bây giờ, rau quả của trại được bao nhiêu thì phân phối cho hơn 10 điểm bán nông sản sạch trong tỉnh. Từ mô hình rau trên cát, vợ chồng Quang có lãi trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4 lao động khác. “Sắp tới, em thuê thêm 4ha để mở rộng sản xuất trên vùng cát bạc màu vùng biển này đấy anh”, Quang hồ hởi nói.
Xã Ngư Thủy Bắc có gần 1.100 hộ dân với khoảng 4.300 nhân khẩu. Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 13%. Nhưng đến nay, hộ nghèo đã giảm còn khoảng 7%. Ông Nguyễn Quang Cả, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, tỷ lệ hộ nghèo giảm cũng nhờ vào chính sách, định hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ngoài khai thác biển.
Mấy năm trước, người dân vùng biển này có nhiều hộ dân đào ao nuôi cá… nước ngọt. Loại cá bà con chọn là cá lóc. Sẵn thức ăn, cá lớn nhanh, thịt ngon nên tiêu thụ tốt. Cuối mỗi vụ tính toán thấy lãi cũng lớn nên bà con quyết tâm làm.
Một vùng biển đổi thay. |
Nuôi cá nước ngọt đã trở thành thương hiệu của vùng biển này. Từ vài hộ, đến vài chục hộ nuôi, nay đã trở thành phong trào rộng khắp. Toàn xã đã có gần 1.000 ao hồ với tổng diện tích trên 11ha. Theo ông Cả, trung bình mỗi năm, cả xã cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn cá thương phẩm, thu về khoảng 10 tỷ đồng.
Không dừng lại ở nuôi cá, người dân Ngư Thủy Bắc còn mở rộng nhiều mô hình khác như nuôi heo rừng, nuôi heo đàn, nuôi bò… để tận dụng những thế mạnh của vùng cát ven biển. Ông Trần Trung Thắng (thôn Tân Hòa) là một hộ nuôi lợn đàn nhiều năm nay. Trong chuồng lúc nào cũng có trên 50 con lợn thịt. Ông Thắng nuôi theo kiểu gối vụ, cứ xuất chuồng một lứa là đã có lứa khác vào giai đoạn thúc vỗ béo để xuất chuồng. Ông Thắng nhìn nhận, mình chưa có khả năng để tăng đàn thì cứ duy trì như vậy cũng có thu nhập hơn trăm triệu mỗi năm. Chúng tôi ở xa các khu dân cư đồng bằng nên việc phòng chống dịch bệnh cũng đỡ hơn nhiều. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn