Từ 73 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh có đến 73/117 xã thuộc khu vực II, khu vực III vùng dân tộc, miền núi. Đặc biệt, địa phương có đến 46 xã, 129 thôn đặc biệt khó khăn và 54 xã có trên 30% hộ dân tộc thiểu số (DTTS). “Lúc đó gặp rất nhiều khó khăn do các xã vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, dân cư phân tán, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu. Không những thế, nhận thức của người dân về ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của trương trình còn hạn chế. Đồng bào thường có tâm lý trông chờ, ỷ lại” - ông Châu nói.
Đồng bào DTTS tại huyện Lạc Dương áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Ảnh: V.L
"Từ nay đến năm 2024, địa phương sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân mỗi năm từ 2 - 3%, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS phải tăng gấp 2 lần so với năm 2015”. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng |
Trước những khó khăn đó, Lâm Đồng đã lồng ghép nguồn lực của chương trình với các chương trình, dự án khác như Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, 134, 30a, trợ cước, trợ giá, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm… Trong giai đoạn 2014 - 2019, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM toàn tỉnh khoảng 30.305 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp từ chương trình và lồng ghép với các chương trình, dự án khác là 5.972 tỷ đồng, còn lại là huy động từ cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp và vay vốn tín dụng. Bên cạnh đó, địa phương còn đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Nhờ vậy Chương trình xây dựng NTM ở Lâm Đồng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Nếu như năm 2014, Lâm Đồng có 36 xã đặc biệt khó khăn thì đến năm 2018 chỉ còn 11 xã, tức đã có 25 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trong 5 năm qua.
Đến dẫn đầu xây dựng NTM
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 90/116 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 77,6% tổng số xã). Trong đó có 25 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM (giai đoạn 2010 - 2016 có 21 xã, giai đoạn 2017 - 2019 có 4 xã). Lâm Đồng còn có huyện Đơn Dương được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM (huyện NMT đầu tiên của Tây Nguyên) và đang thực hiện đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Đặc biệt, diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của toàn tỉnh đã đạt khoảng 56.400ha, trong đó các vùng sâu, vùng đồng bào DTTS chiếm gần 4.000ha (trên 7% tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh).
Phát biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ III mới đây, ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhận định: “Mặc dù có xuất phát điểm xây dựng NTM khá thấp, nhưng trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua nhiều thách thức, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM giai đoạn vừa qua”.
Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, từ nay đến năm 2024, địa phương sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân mỗi năm từ 2 - 3%, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS phải tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực đầu tư hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp thu khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm… để kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục phát triển bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn