Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do Luật Đầu tư công bộ lộ nhiều hạn, chế, vướng mắc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định vướng mắc trong luật này không nhiều.
Tham gia Phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban tài chính - Ngân sách về “Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020” với tư cách “khách mời đặc biệt”, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, Luật Đầu tư công được xây dựng trên cơ sở thực tiễn 3 năm triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) về và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ với tinh thần là tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ trước thực tế tình trạng đầu tư công vô cùng dàn trải, mỗi năm có hàng ngàn dự án khởi công mới.
Với tinh thần quản lý chặt chẽ đầu tư công, nâng cao hiệu quả và chống đầu tư dàn trải, Luật Đầu tư công quy định tìm được nguồn vốn mới được quyết định dự án đầu tư.
“Trước đây, bộ ngành, địa phương cứ quyết định dự án đầu tư, hy vọng “chạy được tiền” hoặc bố trí một chút tiền từ ngân sách địa phương, thiếu bao nhiêu… lên Trung ương xin khiến nhiều dự án lẫn lộn nguồn vốn Trung ương - địa phương. Có rất nhiều dự án, địa phương khẳng định bố trí 60% tổng mức đầu tư ,chỉ cần Trung ương hỗ trợ 40%, nhưng cuối cùng địa phương không có đồng nào đã dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn và thậm chí còn có nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng vì vốn đầu tư đều vay ngân hàng”, ông Bùi Quang Vinh nhắc lại.
“Không chỉ quy định chỉ có tiền mới được quyêt định đầu tư mà Luật Đầu tư công còn quy định, ai ký quyết định đầu tư người đó phải chịu trách nhiệm. Quy định này đã chấm dứt tình trạng lãnh đạo địa phương ra quyết định đầu tư rất đơn giản, chỉ cần nghe cấp dưới tư vấn là đồng ý. Một khi lãnh đạo đã đồng ý rồi, các khâu khác cũng quyết định rất nhanh đã dẫn tới hiệu quả đầu tư kém, đầu tư lãng phí, suất đầu tư nhiều dự án vô cùng lớn. Có dự án đầu tư để tưới tiêu cho mấy ngàn hec-ta lúa, hoa màu, nhưng cuối cùng chỉ được mấy trăm hec-ta, không ít đường giao thông không hiệu quả, chợ làm ra không có người họp… Giờ Luật Đầu tư công quy định chặt chẽ trách nhiệm nên nhiều lãnh đạo địa phương cảm thấy khó chịu”, ông Vinh thẳng thắn.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau 3 năm triển khai Luật Đầu tư công, đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quản lý đầu tư công; quản lý đầu tư công ngày càng chặt chẽ, công khai và minh bạch; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ…
“Luật Đầu tư công đã khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Luật Đầu tư công cũng tạo ra công cụ quan trọng để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần tích cực vào chống thất thoát, lãng phí; đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
“Giai đoạn 2011-2015 có trên 29.000 dự án khởi công mới mặc dù đã có Chỉ thị 1792/CT-TTg. Nhưng thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 chỉ có khoảng 11.000 dự án khởi công mới. Nếu làm thật chặt, tôi tin rằng số dự án khởi công mới giai đoạn này chắc chắn ít hơn con số 11.000”, ông Bùi Quang Vinh nhận định.
Theo Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch vốn đầu tư công ưu tiên để trả nợ; hoàn trả vốn ứng trước; bố trí đủ vốn cho dự án đầu tư theo hình thức PPP và dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi. Còn bao nhiêu, các bộ ngành, địa phương mới được bố trí cho dự án khởi công mới.
“Từng là lãnh đạo địa phương, tôi rất chia sẻ với lãnh đạo nhiều địa phương sẽ không còn tiền để đầu tư dự án mới sau khi đã trả nợ xây dựng cơ bản, trả vốn tạm ứng, bố trí vốn cho dự án đầu tư theo hình thức PPP và dự án sử dụng vốn vay ODA. Trong cả nhiệm kỳ đều phải trả nợ cho nhiệm kỳ trước, không đầu tư được công trình, dự án nào, lãnh đạo địa phương chắc rất áy náy”, ông Vinh chia sẻ nhưng vẫn kiến nghị thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Vinh, giải ngân vốn đầu tư công chậm, vướng mắc trong Luật Đầu tư công không nhiều. "Tuy nhiên, nếu thấy cần phải sửa đổi, bổ sung thì Quốc hội cũng nên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa ngay tại Kỳ họp thứ 4 này", ông Vinh đề xuất.
“Để Luật Đầu tư công thực sự đi vào cuộc sống, có lẽ phải hết nhiệm kỳ này. Vì sau 5 năm triển khai, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã cơ bản thay đổi tư duy quản lý vốn đầu tư công. Nhưng quan trọng hơn, sau 5 năm triển khai, tất cả hạn chế, vướng mắc nằm ngoài Luật Đầu tư công như nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, công trình, dự án dở dang đã xử lý xong, chỉ còn dự án đầu tư mới, chắc chắn đầu tư công sẽ được quản lý hiệu quả hơn”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.
Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đau đáu trước thực tế Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị thiếu vốn đối ứng, đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
“Vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ có 2 triệu tỷ đồng, trong đó chỉ bố trí 300.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho dự án ODA. Trong số này, hệ thống Metro tại TP.HCM vay vốn ODA được bố trí 17.000 tỷ đồng đã là cố gắng rất lớn trong bố trí nguồn vốn nhưng quá thiếu so với nhu cầu thực tế. Vốn của nhà đầu tư đã sẵn sàng, giờ ta không bố trí vốn đối ứng chắc chắn dự án sẽ bị dở dang, dãn tiến độ, nhưng nếu bố trí tăng vốn sẽ phá vỡ trần nợ công, bội chi và phá vỡ tổng mức đầu tư trung hạn. Tôi hy vọng, Quốc hội, Chính phủ sẽ sớm có lời giản cho bài toán này”, ông Vinh nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn