Phật thủ là một trong những cây trồng có thế mạnh của Hoài Đức.
Nỗ lực vượt khó
Nằm liền kề với các quận nội thành, Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Những năm gần đây, huyện luôn quan tâm phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Tuy vậy, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp không ít khó khăn. Khi mới triển khai XDNTM, các xã trên địa bàn chỉ đạt và cơ bản đạt bình quân 8 tiêu chí. Nông dân vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, một số hộ chưa mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp để tăng thu nhập. Quy hoạch XDNTM và một số quy hoạch khác của huyện nằm trọn trong các quy hoạch phân khu của thành phố, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các dự án, đề án quy hoạch XDNTM. Nhu cầu kinh phí đầu tư cho XDNTM khá lớn, nhưng ngân sách nhà nước hỗ trợ và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, nhân dân tham gia đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu…
Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, cho biết, dù còn nhiều khó khăn, song các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực, chung sức tạo nên khí thế thi đua sôi nổi. Huyện đã chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh như: Đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng, các công trình điện, đường, trường, trạm... Công tác tuyên truyền, vận động luôn được cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Công tác tuyên truyền đã tạo sức lan tỏa đến tận cơ sở, kết quả, nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp 3.450 ngày công lao động, hiến hơn 20.000m2 đất và vật liệu xây dựng trị giá hàng tỷ đồng xây dựng 5 công trình…
Cán đích
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 650ha cây ăn quả cho thu nhập cao (tăng 200ha so với năm 2010) và 31ha rau an toàn. Diện tích cây nhãn muộn tăng từ 40,5ha lên 85ha, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha; diện tích trồng phật thủ tăng từ 20ha lên 75ha, thu nhập hơn 600 triệu đồng/ha; vùng trồng bưởi đường Quế Dương và Đông La được mở rộng trong khi diện tích bưởi Diễn, cam Canh giữ ổn định, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha...
Ngoài ra, các mô hình trồng hoa lan nuôi cấy mô, hoa hồng, hoa ly, nấm cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng. Để tạo diện mạo mới, Hoài Đức tập trung phát triển vùng bãi làm cơ sở đầu tư mở rộng diện tích trồng nhãn chín muộn 15ha, khu trồng phật thủ 150ha, khu trồng bưởi 120ha, mô hình sản xuất hoa lan nuôi cấy mô tại hai xã Đông La, An Thượng và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn ra các xã Vân Côn, Cát Quế, Song Phương… Ngoài ra, Hoài Đức còn có 51/53 làng có nghề, trong đó, 12 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó có các làng nghề nổi tiếng như: chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, La Phù; sơn tạc tượng Sơn Đồng; bánh kẹo, dệt len La Phù... Sản phẩm của các làng nghề ở Hoài Đức đang được tiêu thụ trên toàn quốc và xuất sang một số nước. Đây là cũng tiềm năng lớn để Hoài Đức phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
Ông Vương Duy Hướng, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, cho biết, chương trình XDNTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, được nhân dân đón nhận, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc được quan tâm thường xuyên; các cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn giúp các địa phương, cơ sở thực hiện đã được ban hành. Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng, triển khai sâu rộng tới quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã được các cấp, ngành quan tâm, mức đầu tư không ngừng tăng qua các năm. Việc xây dựng hạ tầng nông thôn được thực hiện và quản lý theo đúng dự án được duyệt và quy hoạch. Đầu tư phát triển sản xuất được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Đến hết năm 2015, huyện Hoài Đức có 17/19 xã đạt chuẩn NTM.
Cuối 2015, Hoài Đức đã được các sở, ban, ngành của Hà Nội thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn