Giải quyết bức xúc về rác thải
Xã Đông Ngạc nằm gần chân cầu Thăng Long, tiếp giáp với quận Tây Hồ. Năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, vấn đề lo ngại nhất của xã là môi trường. Là xã tiếp giáp với nội đô, nên ở các đầu ngõ, khoảng đất trống, xen kẹt đều bị biến thành các bãi rác, bãi đổ phế thải nên rất hôi thối, ô nhiễm...
Đường rộng thông thoáng, được lát bằng gạch nghiêng khiến Đông Ngạc vẫn giữ được nét đẹp xưa. |
Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc cho biết: “Năm 2010, xã đã đạt 16/19 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa và trường học đạt chuẩn quốc gia. Theo đánh giá, tiêu chí môi trường đã đạt, nhưng thực tế khu gần chân cầu Thăng Long và một số điểm vẫn đang tồn tại các bãi rác, nên xã đã triển khai kế hoạch dẹp các bãi rác này”. Cũng theo ông Chiến, xã đã xác định quy hoạch là khâu then chốt tạo nên bộ mặt NTM nên được làm rất kỹ, bám sát quy hoạch của T.Ư, thành phố, huyện, mà vẫn giữ lại được những nét đặc trưng, văn hóa cổ của xã.
“Sở dĩ Đông Ngạc có xuất phát điểm cao là vì hầu hết các tiêu chí như đường, điện, nước, khu dân cư... đã được xã quy hoạch từ trước, hầu hết các công trình, hạng mục đã đạt chuẩn, nên khi tiến hành quy hoạch tổng thể, xã chỉ nắn, nới thêm cho phù hợp” - ông Chiến chia sẻ. Sau khi quy hoạch, Đông Ngạc đã đặc biệt chú ý đến vấn đề đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông vừa rộng, vừa thông thoáng; rồi công trình cấp thoát nước; định hướng khu dân cư (phân chia khu dãn dân, khu đô thị, thương mại), khu vui chơi, nhà trẻ...
Hộ nghèo cũng nhiệt tình đóng góp
Vừa qua, Đông Ngạc đã công bố về đích đạt 19/19 tiêu chí, trở thành 1 trong 12 xã đầu tiên của TP.Hà Nội chính thức trở thành xã NTM. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Đông Ngạc đã đầu tư gần 249 tỷ đồng (vượt 199% kế hoạch) để xây dựng NTM, trong đó người dân và các tổ chức đóng góp gấp 177 tỷ đồng (chiếm khoảng 70%). Ông Chiến cho biết thêm, xã có thuận lợi là đời sống kinh tế của người dân tương đối cao, tuy nhiên để có được kết quả nói trên là nhờ sự vào cuộc của tất cả các cán bộ từ xã đến thôn. “Chúng tôi chủ trương thực hiện việc xã hội hóa, nếu không xã không đủ sức để xây dựng”- ông Chiến nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Thư – Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho hay:
“Hiện Từ Liêm đã có 4 xã về đích NTM là Đông Ngạc, Tây Tựu, Xuân Đỉnh và Minh Khai. Năm 2013, phấn đấu có thêm 4 xã nữa về đích và các xã còn lại cơ bản đạt các tiêu chí NTM”.
Đúng như Chủ tịch xã nói, hầu hết các công trình của Đông Ngạc là xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Điển hình như ở thôn Đông Ngạc, người dân đã đóng góp hơn 400 triệu đồng để tu bổ cổng làng cổ, làm con đường hoa; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tài trợ 3,5 tỷ đồng thực hiện xây dựng nhà văn hóa tại xóm 1B và đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng thêm một dãy nhà 2 tầng, mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại cho Trạm Y tế xã. Ngoài ra, xã còn vận động người dân đóng góp 4,290 tỷ đồng nâng cấp 4,3km đường, lắp 538 bóng đèn chiếu sáng; nâng cấp 4,322km đường tại các tuyến ngõ tổ dân phố số 6, 7, 8 với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng...
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở thôn Đông Ngạc, hiện là Tổ trưởng tổ vận động người dân đóng góp tu bổ cổng làng cho biết: “Tôi phải đến từng hộ để vận động, trước tiên là những hộ đảng viên, rồi từ đó họ vận động con, cháu họ đóng góp. Lúc đầu, tôi nghĩ chắc chỉ được vài chục hộ đã là thành công rồi, nhưng không ngờ khi tôi trình bày nguyện vọng, ai cũng ủng hộ”.
Trong buổi đầu phát động, riêng tại xóm 2 đã thu được hơn 50 triệu đồng. Mặc dù là hộ nghèo, nhưng ông Nguyễn Văn Hồng vẫn xung phong góp 400.000 đồng. Nhiều hộ khá giả góp hàng chục triệu đồng, như hộ bà Phan Thị Diệu Tâm (20 triệu đồng), Phan Quang Hân (12 triệu đồng), Phạm Quang Trụ (12 triệu đồng)...
Việt Tùng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn