Xã hội hóa y tế là việc bắt buộc, nhưng cần tách bạch công - tư. Ảnh: KINH LUÂN
Xã hội hóa, cơn mưa giải hạn vốn đầu tư
Hồi đó, tôi làm ở bệnh viện công, bệnh viện chúng tôi được JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ, trang bị rất nhiều máy móc. Như một mảnh đất chịu hạn đã lâu, bao nhiêu máy móc, trang thiết bị của JICA đổ vào đều không thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh và của xã hội. Máy móc nào được trang bị cũng gần như ngay lập tức bị quá tải. Hàng loạt yêu cầu trang bị mới hoặc trang bị thêm các máy móc, trang thiết bị không được đáp ứng, do không có nguồn vốn đầu tư.
Chủ trương xã hội hóa y tế ra đời. Các hình thức xã hội hóa y tế, như các gói kích cầu, liên kết với các cá nhân hoặc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đặt máy móc, trang thiết bị trong các bệnh viện, đã được áp dụng để giải quyết vốn cho trang thiết bị y tế. Nhu cầu của người dân đã được đáp ứng phần nào.
Chỉ trong hơn 10 năm, ngành y tế Việt Nam đã gần như lột xác. Các kỹ thuật chuyên môn cao, mang tầm mức khu vực và châu lục, thậm chí là ở tầm mức thế giới, đã được các bác sĩ Việt Nam áp dụng thành công, giúp người bệnh Việt Nam được hưởng những thành quả của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đó chính là mặt tích cực mà xã hội hóa y tế mang lại.
Vài năm lại đây, việc xã hội hóa y tế còn được nâng lên một tầm cao mới, đó là xã hội hóa trong xây dựng cơ bản. Các cơ sở y tế công đã lấy một phần mặt bằng để xây dựng những tòa nhà mới, lắp đặt các trang thiết bị mới, xây dựng những khu dịch vụ mang dáng dấp của các khách sạn nhiều sao. Sắp tới, hàng loạt bệnh viện xã hội hóa sẽ được xây dựng, viễn cảnh có thêm nhiều bệnh viện hiện đại không còn xa.
Tuy nhiên, mặc dù y tế Việt Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tiên tiến, chúng ta đã có những khu dịch vụ giống như khách sạn, nhưng rất nhiều người bệnh của chúng ta vẫn cứ ra nước ngoài chữa bệnh. Song song đó, gần như không mấy người bệnh cảm nhận được sự yên tâm khi vào bệnh viện của chúng ta.
Tại sao vậy? Phải chăng, có điều gì đó không ổn trong nền y tế của chúng ta?
Nếu cứ xã hội hóa bệnh viện công theo kiểu tư trong công, công - tư lẫn lộn như hiện nay, thì hậu quả là y tế công sẽ càng ngày càng bị lũng đoạn bởi lợi nhuận, quyền lợi của bệnh nhân nghèo càng bị cắt xén, những tồn tại của y tế nước nhà sẽ chỉ ngày càng nặng nề hơn. |
Hệ thống y tế chắp vá gây tác động xã hội tiêu cực.
Đó là sự chắp vá trong y tế. Chúng ta đang có một hệ thống bệnh viện công không ra công, tư không ra tư. Trong cùng một bệnh viện mà áp dụng nhiều chuẩn mực điều trị khác nhau, nhiều quy trình điều trị khác nhau. Và thật trớ trêu, tiêu chuẩn để áp dụng các chuẩn mực khác nhau ấy lại là tiền.
Nếu không có tiền, xin mời nằm hai, ba người một giường, thậm chí nằm dưới gầm giường. Nếu có tiền, xin mời nằm phòng riêng, có máy lạnh, tủ lạnh, có ti vi riêng, thậm chí, có cả phòng khách riêng. Không có tiền hả, tôi sẽ cho thuốc, nhưng hiệu quả có khi hạn chế. Còn nếu có tiền, anh sẽ được đặt “stent”, tất nhiên, hiệu quả cao hơn nhiều. Sự phân biệt giàu nghèo, nhất là trong lúc con người ta rơi vào trạng thái bệnh tật, sẽ gây ra những tác động xã hội rất sâu sắc, có thể dẫn đến sự bất ổn.
Ngoài ra, khi lấy cơ sở vật chất của công để phục vụ cho phần dịch vụ, đương nhiên là quyền lợi của người bệnh nghèo sẽ bị cắt xén. Ngoài chuyện cơ sở vật chất thì còn vấn đề nhân sự. Đương nhiên là khi một bệnh nhân có tiền chọn một thầy thuốc giỏi, thì vị thầy thuốc ấy sẽ bớt đi một cơ hội cứu chữa cho một bệnh nhân nghèo thực sự cần đến mình.
Một điều quan trọng được nhiều người nhắc đến, là việc xã hội hóa y tế trong các bệnh viện công đang làm xói mòn y đức, thông qua việc khuyến khích sử dụng các trang thiết bị xã hội hóa dưới dạng “hoa hồng”. Từ đó, dễ dẫn đến việc lạm dụng các phương tiện, trang thiết bị xã hội hóa.
Sẽ có người nói, như vậy thì tại các cơ sở y tế tư nhân 100%, tệ nạn lạm dụng trang thiết bị nhiều lắm sao? Không phải vậy! Các cơ sở y tế tư nhân không tồn tại nhiều chuẩn mực, nhiều quy trình khác nhau cho cùng một vấn đề, nên không có nhiều kẽ hở cho tệ nạn lạm dụng trang thiết bị tồn tại.
Một vấn đề nữa là tình trạng những đơn vị xã hội hóa lũng đoạn hoạt động của bệnh viện công. Điển hình của việc này là vụ ngăn cấm xe cứu thương vào chở bệnh nhân ở bệnh viện mà báo chí phản ánh trước đây. Việc này xâm phạm quyền lợi của người bệnh.
Sự lũng đoạn của những đơn vị xã hội hóa còn dẫn đến một hệ quả khác, đó là chi phí điều trị tăng cao bất hợp lý. Hiện nay, trong nhiều trường hợp, các kỹ thuật cao điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân có chi phí thấp hơn khá nhiều so với khi thực hiện cùng loại kỹ thuật này tại bệnh viện công. Đây là một nghịch lý. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu. Khả năng quản lý tài chính của các cơ sở y tế công lập thường yếu kém hơn so với tư nhân, nên thất thoát, hoặc lãng phí nhiều.
Bệnh viện công trục lợi từ sự quá tải và câu hỏi về quyền lợi của bệnh nhân nghèo
Nhưng những vấn đề mang tính xã hội nêu trên chưa phải là quan trọng nhất. Vấn đề quan trọng là việc giải quyết những mặt yếu kém của nền y tế Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, vấn nạn của y tế Việt Nam là quá tải. Vì quá tải mà các cơ sở y tế công của chúng ta rất nhếch nhác. Vì quá tải mà dịch vụ chăm sóc khách hàng ở các cơ sở y tế công rất yếu kém. Việc bệnh nhân nằm viện luôn phải có người nuôi là hiện tượng phổ biến, cho dù đó là những khu dịch vụ 5 sao.
Hàng loạt tồn tại khác của y tế Việt Nam liên quan đến quá tải vẫn hiện diện.
Nhưng quá tải lại là nguồn gốc của lợi nhuận. Các cơ cở y tế công, do bề dày lịch sử, do hậu quả của việc phân tuyến bất bình đẳng, đã tạo ra y hiệu mạnh. Khi mang ra làm xã hội hóa, y hiệu này biến thành thương hiệu và biến thành lợi nhuận.
Một mặt, quá tải làm cho dịch vụ trở nên cần thiết hơn, có giá hơn, nên nhà đầu tư và những người hưởng lợi từ xã hội hóa sẽ có xu hướng nuôi dưỡng quá tải để hưởng lợi. Mặt khác, để gia tăng lợi nhuận trong môi trường quá tải, các đơn vị xã hội hóa lại luôn phải bành trướng. Sự bành trướng của các cơ sở xã hội hóa đồng nghĩa với việc cơ sở vật chất dành cho người bệnh nghèo bị cắt xén nhiều hơn. Sự quá tải lại càng trầm trọng hơn.
Như vậy, nếu cứ xã hội hóa bệnh viện công theo kiểu tư trong công, công - tư lẫn lộn như hiện nay, thì hậu quả là y tế công sẽ càng ngày càng bị lũng đoạn bởi lợi nhuận, quyền lợi của bệnh nhân nghèo càng bị cắt xén, những tồn tại của y tế nước nhà sẽ chỉ ngày càng nặng nề hơn.
Tách bạch công, tư
Ở các nước tiên tiến vẫn tồn tại hai hình thức y tế công và tư. Tại Úc, nhà nước ưu tiên những lĩnh vực sinh lợi cho y tế tư nhân, nhà nước tập trung đầu tư cho những khu vực không sinh lợi, hoặc có sinh lợi nhưng ít, và tư nhân không quan tâm đến. Như vậy, nhà nước không phải đầu tư dàn trải, mà tập trung lo cho người bệnh nghèo.
Cũng tại Úc, vẫn có những bệnh viện tư trong bệnh viện công, nhưng đó chỉ đơn thuần là về mặt địa lí. Nếu bệnh viện công được xây dựng nhưng không sử dụng hết, nhà nước sẽ cắt một phần cho tư nhân thuê. Đó là những cơ sở tách biệt hoàn toàn với bệnh viện công, hoạt động độc lập với bệnh viện công.
Khi xây một bệnh viện công mới, Chính phủ Úc lưu ý đến việc xây thêm cơ sở cho tư nhân thuê ngay trong khuôn viên của bệnh viện công, hoặc khuyến khích tư nhân xây dựng cơ sở y tế tư nhân ngay cạnh đó. Mục đích là tạo thuận tiện cho nhân sự y tế cao cấp, để họ dễ dàng di chuyển từ cơ sở y tế công sang cơ sở y tế tư nhân, để người bệnh được chăm sóc tốt hơn.
theo http://www.thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn