Ảnh VGP/Lưu Hương |
Chương trình hỗ trợ về mặt kỹ năng và kỹ thuật để nâng cao năng lực của các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương; đặc biệt là sử dụng các công cụ và phương pháp chuyên biệt nhằm khảo sát, điều tra đi đến phát hiện điểm yếu của DN vừa và nhỏ.
Đồng thời đề xuất giải pháp, giúp DN phát triển bền vững hơn, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc.
Hai đối tượng hưởng lợi từ chính chương trình này là các tổ chức xúc tiến thương mại và các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN có tiềm năng xuất khẩu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, chia sẻ, thảo luận các sản phẩm chủ lực là thế mạnh của các địa phương như Đà Nẵng (thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ, du lịch dịch vụ); Quảng Bình (mây tre, cao su, du lịch, thủy sản); Nghệ An (dăm gỗ, sắn, vật liệu xây dựng); Quảng Ngãi (nguyên liệu giấy, tinh bột sắt, sản phẩm cơ khí); Thừa Thiên-Huế (dệt may, titan, xi măng, du lịch); Phú Yên (cá ngừ đại dương, các sản phẩm thủy sản); Lâm Đồng (chè, cà phê, nhân hạt điều, hoa, rau củ quả..)… để tìm hướng, thị trường xuất khẩu ổn định.
Bà Lê Thị Lan Hương, Trưởng phòng Thông tin xúc tiến thương mại điện tử thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Nghệ An, cho biết: Hiện Nghệ An đang chú trọng vào 2 lĩnh vực xuất khẩu là dăm gỗ keo và dăm gỗ phế phẩm ép thành tấm làm nguyên liệu nhiệt lượng vào thị trường Hàn Quốc. Đây là thế mạnh của tỉnh. Nếu được thông thương với thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ thì cơ hội làm giàu và tái đầu tư cho việc trồng keo phát triển ở quy mô hàng hóa là rất lớn. Do đó, địa phương cần cơ quan xúc tiến thương mại hướng dẫn, kiểm soát và vận động để bảo đảm sản phẩm xuất đi đúng là dăm của gỗ phế phẩm, tránh xâm hại tài nguyên rừng…
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Lâm Đồng, cho biết: Từ năm 2011 Lâm Đồng đã xây dựng dự án với những mặt hàng chủ lực như rau, chè, dâu tằm, cà phê. Tuy vậy, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn; thông qua chương trình này; địa phương muốn được tư vấn, hỗ trợ để tiếp tục khai thác tiềm năng xuất khẩu cho tỉnh và kết nối thông tin với thị trường nước ngoài, nhất là các nước châu Á.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Giám đốc Quốc gia chương trình, cho biết: Dự kiến đầu năm 2015 chương trình sẽ bắt đầu triển khai.
Lưu Hương
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn