Nhiều giải pháp phát triển sản xuất
Trong thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó phải kể đến 2 đề án lớn của tỉnh là Quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và đề án và Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để thúc đẩy sản xuất phát triển, tỉnh Đắk Nông còn có các giải pháp như đào tạo nghề, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác… Nhờ vậy đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao, các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Xã Nam Bình (huyện Đắk Song) đang hoàn thiện những mét đường giao thông nông thôn cuối cùng để “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm 2019
Trong bối cảnh hồ tiêu bị “tuột dốc” do rớt giá và bệnh hại, được sự định hướng của chính quyền, người dân xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, biến nơi đây thành vựa xoài lớn nhất tỉnh. Cũng tại đây, HTX Nông nghiệp và thương mại Đắk Gằn được thành lập năm 2018, hoạt động hiệu quả với 15 hộ sản xuất, diện tích trồng xoài 30 ha. Với sự hỗ trợ của địa phương, HTX đang chuyển dần sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, sau hơn 9 năm thực hiện chương trình, số lượng các xã đạt các tiêu chí ở nhóm “kinh tế và tổ chức sản xuất” đã tăng lên gấp đôi so với trước đây. Cụ thể có 42/61 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, chiếm 68,9% tổng số xã và tăng 33 xã so với năm 2011; 61/61 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động và việc làm, chiếm 100% tổng số xã và tăng 60 xã so với năm 2011; 47/61 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, chiếm 77% tổng số xã và tăng 33 xã so với năm 2011. Đồng thời thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đã đạt 45,24 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Có thể nói, đây là một kỳ tích do Chương trình xây dựng NTM đem lại.
Linh hoạt trong đầu tư hạ tầng
Công tác xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành tỉnh Đắk Nông chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Tuy nhiên các tiêu chí về phát triển hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều địa phương trong tỉnh đã linh hoạt lồng ghép với các chương trình, dự khác.
Với sự đầu tư của Nhà nước, sự hưởng ứng của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sạch… đã được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp. Đặc biệt là phong trào làm đường giao thông nông thôn tại thị xã Gia Nghĩa (các xã Quảng Thành, Đăk Nia, Đăk R’Moan), huyện Đăk R’lấp (các xã Nghĩa Thắng, Nhân Đạo), huyện Krông Nô (các xã Đăk Drô, Nam Nung, Đăk Sô)... Bên cạnh đó, số lượng nhà tạm, dột nát ngày càng được thay thế bằng nhà kiên cố, khang trang đạt chuẩn theo qui định của Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Sau hơn 9 năm thực hiện chương trình, hạ tầng kinh tế - xã hội của Đắk Nông đã có sự chuyển biến rõ rệt, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Toàn tỉnh đã có 30 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, 26 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, 27 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học; 49 xã có hệ thống điện đạt chuẩn và đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 98% trở lên…
Những kết quả phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng là tiền đề quan trọng để tỉnh Đắk Nông tiếp tục bứt phá trong xây dựng nông thôn mới năm 2020 và những năm tiếp theo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn