Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.
Sáng nay (4.11), sau khi nghe ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày kết quả giám sát về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (giai đoạn 2010-2015), Quốc hội đã bước vào phần thảo luận tại hội trường về chương trình trên.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã có 54 đại biểu (ĐB) đăng ký phát biểu thảo luận về chủ đề này. Mở đầu phần thảo luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng chưa có chương trình nào nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội như Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, đi vào phân tích những hạn chế của chương trình này, ĐB Phương cho rằng: “Nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM chưa đáp ứng được như cầu thực tế của các địa phương và việc đầu tư cũng khác nhau, nên kết quả thực hiện giữa các địa phương không đồng đều. Trong khi, khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng có nhiều xã đạt đủ tiêu chí NTM thì ở các tỉnh như miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng NTM còn rất hạn chế”.
Về việc đầu tư cho xây dựng NTM hiện nay, ĐB Phương cũng thẳng thắn nói, hiện có một số tiêu chí rất lãng phí như xã nào cũng xây chợ, trung tâm bưu điện, trong khi lại thiếu trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa, nhất là nhà văn hóa thôn, bản đang rất cần hay thư viện cho các em học sinh nông thôn.
Đối với vấn đề văn hóa, ĐB Phương cũng chỉ ra: “Trong 2 ngày thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế, tất cả các ý kiến chỉ nói về kinh tế mà không nói về văn hóa, đây là sự chênh lệch. Kinh nghiệm một số nước, cứ phát triển kinh tế, văn hóa sẽ phát triển, song cũng có thể ngược lại là văn hóa có thể bị tác động, mai một. Như ở ta, bây giờ không ai đưa ra lối thoát để cho các em học sinh ở nông thôn có chỗ vui chơi, để thoát ra khỏi các quán games, các tệ nạn xã hội”.
ĐB Phương cũng nêu một “nhức nhối” nữa trong xây dựng NTM, đó là nhiều xã chạy theo thành tích huy động quá sức dân, thậm chí huy động cả người già, gia đình, chính sách. Từ đó dẫn đến vấn đề nợ trong NTM cao, hiện có tới 53/63 tỉnh, thành đang nợ đọng xây dựng NTM. Thậm chí, có một số cán bộ thôn bản còn lợi dụng chương trình này để tham ô, tha hóa, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Từ các hạn chế trên, ĐB Phương đề xuất, Nhà nước cần phải đầu tư cho phát triển nông thôn. “Để giải quyết vấn đề quá tải dân số ở nông thôn, chúng ta phải bắt đầu từ nông thôn, tức là đầu tư cho nông thôn nhiều hơn nữa để làm sao cho người dân ở nông thôn không bỏ lên các thành phố lớn, thậm chí còn thu hút người dân ở đô thị về với nông thôn. Bởi chúng ta suy ra từ chính mình ra, tôi được biết nhiều đại biểu đang ngồi ở đây, đều mua nhà cho con cái lên thành phố ở cả”- ĐB Phương nhận xét.
Trước đó, trình bày trước Quốc hội về báo cáo kết quả giám sát về Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2010-2020, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu rõ: Tại các địa phương, vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. “Đáng lưu ý, số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện”- ông Thanh trình bày. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn