Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 7/11 huyện, TP có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Trong 7 huyện thì có tới 6 huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trừ huyện Vị Xuyên. Tại 7 huyện có 32 xã có đường biên.
Theo báo cáo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Giang, từ năm 2011, tỉnh đã tổ chức triển khai chương trình xây dựng NTM tại 177/195 xã, phường, thị trấn. Tính đến cuối năm 2016, đã có 16 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 24 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 132 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí và 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Hình ảnh một xóm nghèo tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang) |
Riêng đối với 32 xã biên giới, các tiêu chí đạt được còn rất thấp, cụ thể chưa có xã biên giới nào đạt đến 15 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 28 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt của các xã biên giới chủ yếu là đường giao thông nông thôn, phổ cập giáo dục, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn và thiếu đồng bộ, mức thu nhập thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trong quá trình triển khai NTM tại các xã biên giới, Hà Giang đã gặp nhiều khó khăn và thách thức do các xã biên giới đều nằm cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc lớn; tỷ lệ hộ đói nghèo cao (tính đến tháng 12/2016, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã biên giới còn trên 60,9% trên tổng số hộ của các xã, theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ).
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Giang phấn đấu có thêm 27 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; trong 9 xã thì có 2 xã biên giới là Lũng Cú huyện Đồng Văn và xã Phú Lũng huyện Yên Minh. |
Đặc biệt, kinh tế tại các xã biên giới chủ yếu sản xuất nông nghiệp qui mô nhỏ lẻ phân tán; nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng lớn trong khi nguồn kinh phí hạn chế; việc huy động đóng góp gặp khó do tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân hạn chế. Bên cạnh đó, các xã biên giới là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, La Chí, Hoa, Sán Dìu, Giấy, Nùng, Lô Lô…), trình độ dân trí thấp là một thách thức lớn khi triển khai xây dựng NTM.
Từ thực tiễn đó, để triển khai chương trình NTM tại các xã biên giới, ngoài áp dụng sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Bộ tiêu chí NTM, trong đó có các chính sách đặc thù đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng biên giới.
Cụ thể, tại Quyết định số 1670/QĐ – UBND, ngày14/08/2013 của UBND tỉnh Hà Giang áp dụng cho giai đoạn 2013 – 2020 đối với các xã thuộc vùng 30a và các xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt, xây dựng các nhà văn hóa thôn bản…, trong khi các xã khác chỉ được hỗ trợ 75%.
Tại các xã biên giới, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chương trình về y tế và giáo dục được đẩy mạnh. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ tại các xã vùng đặc biệt khó khăn với Chương trình mục tiêu Quốc gia NTM tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng NTM tại các xã biên giới; triển khai các cơ chế và chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập các xã biên giới.
HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 206/2015/NQ – HĐND ngày 10/12/2015 về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng phát triển kinh tế và mở rộng thị trường kinh doanh tại các xã biên giới. UBND tỉnh triển khai chương trình “Đẩy mạnh phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2016 – 2020” nhằm mở rộng thị trường thương mại tại các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có 32 xã biên giới…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn