Thị xã Sơn Tây có 15 xã, phường, trong đó có 6 xã thực hiện xây dựng NTM. Quá trình triển khai, thị xã gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chủ yếu là đất đồi gò, bán sơn địa, đời sống của người dân còn ở mức thấp, nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp... Nhưng một sự thay đổi ai cũng có thể cảm nhận được là tại các xã xây dựng NTM, những ngôi nhà xây dựng kiên cố đã và đang mọc lên ngày càng nhiều, đường làng, ngõ xóm được trải nhựa và bê tông hóa. Người nông dân từng bước chuyển đổi được cơ cấu cây trồng vật nuôi, thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Tất cả đang hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương thành một xã NTM.
|
Tuyến đường giao thông mới được bê tông hóa tại xã Sơn Đông. Ảnh: Quang Thiện |
Ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho hay, có được bộ mặt nông thôn khởi sắc như hôm nay là sự nỗ lực đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến từng xã. Trên cơ sở xác định người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả như nêu gương cá nhân, tập thể ở địa phương… đã như "mưa dầm thấm lâu", đưa được các nội dung xây dựng NTM đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Mỗi người dân đã tự ý thức được rằng, bên cạnh sự quan tâm của thành phố, thị xã, xã thì ngay bản thân họ cũng phải có trách nhiệm làm cho gia đình, thôn xóm và địa phương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực như tự chỉnh trang nhà cửa khang trang sạch đẹp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất mới…
Theo dõi quá trình xây dựng NTM của Sơn Tây cho thấy, mỗi địa phương có cách làm sáng tạo riêng, tuy có chậm nhưng chắc chắn. Ví dụ như ở xã điểm Sơn Đông thuộc vùng đồi gò bán sơn địa, cơ cấu nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phần đông người dân sống bằng nghề dịch vụ hoặc đi làm ăn xa, Đảng ủy xã chọn việc đầu tư xây dựng hệ thống xóm, cải tạo môi trường và xây dựng đời sống văn hóa làm bước đột phá. Điều đó đã đem lại sự thay đổi nhanh chóng ở địa phương này. Ông Nguyễn Long Giang, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, nếu như khi được chọn làm điểm xây dựng NTM, xã chỉ có 1 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí cơ bản đạt thì đến hết năm 2013 đã cơ bản hoàn thành xong xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân từng bước được cải thiện rõ rệt... Xã Xuân Sơn có nhiều diện tích đất trũng, thường xuyên bị ngập úng đã chọn dồn điền, đổi thửa, phát triển nông nghiệp là khâu đột phá. Bằng sự quyết tâm, tập trung cao độ, xã đã hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2013 với diện tích trên 236ha, tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên quy mô lớn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Sau gần 3 năm triển khai, đến nay thị xã Sơn Tây vẫn còn 5 xã là Cổ Đông, Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn và Đường Lâm mới đạt và cơ bản đạt 12-15 tiêu chí; giá trị canh tác nông nghiệp năm 2013 của toàn thị xã đạt 69 triệu đồng/ha/năm, chỉ bằng 1/3 giá trị canh tác nông nghiệp toàn thành phố. Đây là những thách thức, tồn tại mà lãnh đạo thị xã xác định sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, tìm hướng khắc phục quyết liệt trong năm 2014 mà trọng tâm là tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM tại địa phương.