Mặc dù là địa phương có số xã triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ít nhất toàn TP, song đến nay, tiến độ thực hiện chương trình của thị xã Sơn Tây chuyển biến chưa nhiều.
Nhiều khó khăn, bất cập Thị xã Sơn Tây có 6 xã triển khai xây dựng NTM. Tính đến nay, 100% xã đã hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án thành phần của cả 6 xã đều khá chậm. Sau hơn 4 năm triển khai đến nay, xã điểm Sơn Đông mới đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM nhưng cũng chưa có quyết định công nhận của UBND TP, 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 12 – 17 tiêu chí. Ông Nguyễn Long Giang – Chủ tịch UBND xã Sơn Đông chia sẻ, địa phương vẫn loay hoay trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số hộ dân rất muốn chuyển đổi nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vốn lồng ghép, DN, xã hội hóa để xây dựng NTM rất khó khăn, dẫn tới tình trạng thiếu kinh phí thực hiện các hạng mục công trình, dự án thành phần. Theo ông Khuất Văn Trường – Chủ tịch UBND xã Cổ Đông, việc phát triển sản xuất, nhất là chăn nuôi trên địa bàn vẫn tự phát, đối tượng chuyển đổi còn nghèo nàn. Đáng lo ngại là việc gia tăng các trang trại chăn nuôi dẫn tới ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi thỏ theo hướng công nghiệp tại xã Cổ Đông, Sơn Tây. Ảnh: Quang Thiện
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây thẳng thắn nhìn nhận, công tác giảm nghèo trên địa bàn còn nhiều khó khăn do các hộ nghèo thuộc diện nghèo bền vững chiếm tỷ lệ cao. Công tác dồn điền đổi thửa còn nhiều bất cập nên tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là các diện tích đã thực hiện dồn điền đổi thửa còn hạn chế nên chưa xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất… Vào cuộc chưa đồng bộ Ngoài những nguyên nhân khách quan, tiến độ thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn thị xã Sơn Tây chậm là do địa phương chưa quyết liệt vào cuộc. Điều đó được thể hiện ở chỗ, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM hoạt động còn nhiều lúng túng, chưa vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ thị xã đến cơ sở. Trong khi đó, đề án xây dựng NTM của các xã khi lập còn nhiều nội dung chưa sát thực tế, chưa phù hợp với chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 16/QĐ-UBND của UBND TP. Bởi vậy, việc triển khai rất khó khăn, thậm chí có nơi không triển khai được, phải rà soát, phê duyệt điều chỉnh lại. Còn nhớ, khi sơ kết Chương trình 02 vào thời điểm tháng 12/2013, thị xã Sơn Tây được đánh giá là còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, chưa xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh… Từ đó đến nay, các chỉ tiêu đạt và cơ bản đạt của các xã tăng lên không đáng kể. Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn thị xã Sơn Tây mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhắc nhở: “Vì sao Sơn Tây lại như vậy, trong khi các địa phương khác làm được? Phải chăng các đồng chí tập trung xây dựng đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái mà quên xây dựng NTM?”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị thị xã Sơn Tây cần tập trung chỉ đạo một số khâu, đơn vị làm dứt điểm rồi tổng kết nhân rộng. Với nguồn kinh phí hỗ trợ của TP cho xây dựng NTM, phải lựa chọn công trình, dự án phù hợp, nhất là ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, thị xã cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn, hạ tầng kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt với những khó khăn, vướng mắc, cần mời bà con nông dân vào cùng trao đổi, tháo gỡ. Thị xã Sơn Tây đặt mục tiêu năm 2015 có 3 xã Đường Lâm, Cổ Đông, Thanh Mỹ cơ bản hoàn thành xây dựng NTM và tới năm 2016, 2 xã còn lại là Kim Sơn và Xuân Sơn cũng cơ bản về đích.