Nhìn từ xã NTM Định Thành
An Giang xác định xây dựng NTM nhằm phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh và xem đây là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong cả nhiệm kỳ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa thành thị và nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Đồng thời, quan tâm đầu tư cho các xã không nằm trong lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, với phương châm không để các xã không nằm trong lộ trình xây dựng NTM bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, tỉnh phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có trên 50% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân |
Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Định Thành (huyện Thoại Sơn, An Giang) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn địa phương ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt sau chặng đường dài phấn đấu, nỗ lực. Bên cạnh các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố có thể nhìn thấy được, chúng tôi còn cảm nhận được tinh thần lao động hăng say, sản xuất nâng cao đời sống của bà con.
Còn nhớ khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của Định Thành khá thấp (dưới 8 tiêu chí), thu nhập bình quân đầu người dưới 18 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Định Thành Ngô Văn Ý cho biết, bắt tay vào xây dựng NTM, xã huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân để triển khai nhiều chương trình, đề án. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để dân biết, dân bàn và đi đến tự nguyện làm. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... thu nhập bình quân đầu người của xã Định Thành tăng từ 3-4 triệu đồng/năm. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người xã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 122 hộ (chiếm 3,8%). Mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, hệ thống lưới điện bảo đảm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Cùng với các tiêu chí về sản xuất, hạ tầng, xã Định Thành cũng tập trung đến các tiêu chí về môi trường. Địa bàn xã có trên 70% rác thải sinh hoạt được thu gom về bãi rác tập trung, riêng các tuyến giao thông nhỏ hẹp, xã đã thành lập tổ thu gom và xử lý rác thải theo phương án xã hội hóa. Theo đó, các hộ sản xuất, kinh doanh đều đăng ký tham gia nhằm bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ xã dự án bảo vệ môi trường, bố trí trên 100 thùng rác ở các tuyến dân cư. Lãnh đạo xã cũng cho biết, xác định đạt chuẩn NTM chỉ là mục tiêu trước mắt. Mục tiêu lâu dài của địa phương là xây dựng các kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể với các giải pháp đồng bộ để giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM trong thời gian tới.
Mô hình trồng dưa lưới của chị Nguyễn Thị Diệu Thu, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang |
Còn nhiều xã “rớt” chuẩn
Tính đến hết năm 2017, An Giang có 33/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 27,32%. Trong quá trình thực hiện, việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho xây dựng NTM được tỉnh An Giang thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, nhất là việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến rõ nét trong khu vực nông thôn. Tuy nhiên, có một thực trạng là một số xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM lại “rớt” chuẩn. Theo kết quả kiểm tra của UBND tỉnh đánh giá mức độ đạt chuẩn tại 21 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016, chỉ có 7 xã giữ vững, duy trì nâng chất theo bộ tiêu chí mới; 14 xã “rớt” chuẩn. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, một số địa phương có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được, thiếu sự tập trung, không tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững hoặc nâng chất lượng, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.
Cho rằng phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu chững lại và thiếu bền vững, nhiều tiêu chí không bảo đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân chỉ rõ, cốt lõi vẫn là vai trò của cán bộ, người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, tháo gỡ chưa thật sự sâu sát. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền phải tập trung cao hơn nữa trong kiểm tra giám sát và xử lý tồn tại, hạn chế. Các sở, ngành, địa phương phải kiên trì công tác lãnh đạo, chỉ đạo, coi xây dựng NTM là trọng tâm nhưng phải thực chất; chủ động rà soát đánh giá khách quan, đây cũng là đánh giá cán bộ gắn trách nhiệm người đứng đầu. Tỉnh sẽ xem xét, thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đối với những xã yếu kém, không duy trì được thành tích đã đạt được.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cần đổi mới tư duy trong xây dựng NTM, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. Các xã sau khi đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM phải xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu, hướng tới mỗi huyện xây dựng một xã NTM kiểu mẫu; tập trung rà soát, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Người đứng đầu cấp ủy Đảng phải tăng cường trách nhiệm, sâu sát cùng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện song song 2 công việc: Vừa nỗ lực xây dựng NTM theo lộ trình, vừa duy trì, nâng chất các xã đã được công nhận NTM.
Theo Phương Lan/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn