Nỗ lực để sớm cán đích
Báo cáo của Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho thấy những kết quả khả quan trong xây dựng NTM toàn thành phố. Cụ thể: Trong quý III, huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện NTM toàn thành phố lên 3; Thành phố có 255/386 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; so với quý II, nguồn lực xã hội hóa từ DN và người dân tự nguyện đóng góp tăng trên 98 tỷ đồng; nhiều xã đã và đang quan tâm thực hiện các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện “đường có hoa, nhà có số, phố có tên”, cưới hỏi, tang lễ văn minh. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ha/năm (tăng hơn 4 triệu đồng so với kế hoạch đề ra). Trên địa bàn TP đã xây dựng được 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 33 mô hình so với quý II), 56 mô hình hoạt động theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện các địa phương phát biểu tại hội nghị | Ảnh: Đào Cảnh |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho hay, Gia Lâm đăng ký đưa 3 xã cuối cùng về đích để đến cuối năm hoàn thành chương trình xây dựng NTM ở 100% xã, phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2018. Đến nay, cả 3 xã đều cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và 96 - 98% ý kiến người dân đồng tình, hài lòng với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Huyện đang tập trung hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của 2 xã, thành lập trên 70 nhóm sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hết tháng 9.2017, huyện đã có 13 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện chuyển đổi 481ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên địa bàn 5 xã, nâng giá trị thu nhập lên 260 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, ông Thuần cũng nêu khó khăn của huyện trong thực hiện tiêu chí môi trường ở 3 con sông, trong đó có sông Cầu Bây.
Huyện Quốc Oai cũng phấn đấu đưa 4 xã cuối cùng về đích để hết năm 2017 có 100% xã đạt chuẩn NTM và năm 2018 đạt huyện NTM. Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ cho biết: Đến nay, cơ bản 4 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Huyện đã tổ chức lấy ý kiến trên 7.000 hộ dân, 100% người dân đồng tình và có 1.200 ý kiến tham gia xây dựng. Theo chỉ đạo chung của BCĐ thành phố, huyện đã phê duyệt 15 dự án chuyển đổi trên 2.000ha để xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, huyện huy động được hơn 485 tỷ đồng đầu tư cho 4 xã đăng ký đạt chuẩn, bổ sung nguồn từ đấu giá đất để hoàn thiện các công trình NTM trên địa bàn.
Là một trong các huyện đăng ký về đích huyện NTM năm 2017, Phúc Thọ cũng đang nỗ lực và có những thành quả khả quan. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ khẳng định: 2 xã của Phúc Thọ gồm Xuân Phú, Thượng Cốc đến nay đã đạt 19/19 tiêu chí, sẵn sàng về đích.
Thúc đẩy các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị: Sở TN - MT và Sở Tài chính chịu trách nhiệm phê duyệt giá sàn của đấu giá đất, đấu giá đất xen kẹt ở các huyện để các địa phương tiến hành đấu giá, tạo nguồn vốn phục vụ xây dựng NTM. Đề nghị Sở TN - MT phối hợp với huyện Gia Lâm để sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khu vực sông Cầu Bây. |
Cùng với việc nhìn lại tiến độ xây dựng NTM đến quý III.2017, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của thành phố. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương chia sẻ: Sóc Sơn rất chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập lớn cho nông dân. Ông Phương cũng cho rằng, bên cạnh nông nghiệp công nghệ cao thì các huyện cũng nên chú trọng nông nghiệp hữu cơ. Thực tế, huyện Sóc Sơn đã và đang thành công với các mô hình rau hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ và điển hình nhất là phát triển vùng cây dược liệu hữu cơ với diện tích 15ha. Tuy nhiên, khó khăn của huyện là kêu gọi đầu tư chưa nhiều, chưa đáp ứng mong muốn và tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương.
Còn theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, tạo đột phá cho thương hiệu nông sản Thủ đô. Tuy nhiên, ông Phú cũng trăn trở khi thực tế việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung đến nay còn nhiều bất cập khiến năng suất và chất lượng nông sản chưa cao, sinh ra câu chuyện cung - cầu không cân xứng, giá trị nông sản không được bảo đảm. Do đó, các địa phương cần phải có quy hoạch khoa học để bảo đảm sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra chuỗi liên kết.
Ghi nhận ý kiến, kiến nghị mà đại diện lãnh đạo các địa phương nêu ra là thiết thực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, giao cho Sở KH - CN phối hợp với Sở NN - PTNT cùng với huyện Gia Lâm tổ chức Hội nghị 4 nhà vào đầu tháng 11, nhằm thúc đẩy sự liên kết trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sở Công thương, Sở NN - PTNT, Trung tâm Xúc tiến đầu tư cần tăng cường liên kết trong xuất khẩu hàng hóa nông sản.
Với tinh thần không chạy theo thành tích, các xã đạt chuẩn NTM phải thực chất, đáp ứng sự hài lòng của đa số nhân dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương nỗ lực để đến cuối năm, Thành phố Hà Nội có thêm ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn