Hợp tác xã hoạt động 1 dịch vụ chiếm tỷ lệ khá cao
HTX hoạt động 1 dịch vụ chiếm đến 48%
Tại cuộc họp trực tuyến của tỉnh về giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ HTX phát triển, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin, toàn tỉnh có 142 HTX nông nghiệp, hoạt động với các loại hình chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt... Tuy nhiên, trong đó có đến 72 HTX hoạt động 1 dịch vụ, chiếm 48%, chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu, số lượng HTX hoạt động từ 6 dịch vụ trở lên chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn chỉ 4% với 6 HTX.
Riêng các huyện Tam Nông, Cao Lãnh, Tháp Mười, số lượng HTX khá đông với 63 HTX nông nghiệp thì cũng có đến 28 HTX hoạt động 1 dịch vụ, chiếm 44,4%. Trong khi các HTX đang hoạt động dịch vụ bơm tưới lại chỉ đảm bảo cho khoảng 80% thành viên sử dụng dịch vụ, phần còn lại xã viên phải thuê trạm bơm tư nhân bên ngoài để bơm với giá cao.
Một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển của HTX là do thiếu vốn hoạt động, các đơn vị luôn trong tình trạng “thiếu trước hụt sau”. Theo ông Nguyễn Văn Nhiều – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, việc huy động vốn từ các xã viên rất khó khăn, đa phần họ góp vốn ở mức tối thiểu. Để duy trì hoạt động, các HTX phải thực hiện động thái tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, Quỹ phát triển HTX tỉnh nhưng các đơn vị “rút hầu bao” hỗ trợ cũng không dễ dàng. Nguyên nhân do thủ tục vay rườm rà và các HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi nên các tổ chức tín dụng còn khá dè dặt khi muốn tiếp vốn.
Theo Sở NN&PTNT, HTX không có tài sản thế chấp để tiếp cận được vốn vay. Dù hệ thống kênh mương của HTX được Nhà nước giao quản lý nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây cản trở trong việc mở rộng phạm vi phục vụ dịch vụ bơm tưới của HTX.
Ông Võ Công Minh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin, đến nay thủ tục vay vốn từ Quỹ phát triển HTX của tỉnh đã được đơn giản hóa rất nhiều để các HTX dễ tiếp cận. Việc một số HTX chưa vay được vốn từ Quỹ phát triển HTX là do các đơn vị chưa năng động trong việc hoàn thiện hồ sơ nên “bỏ cuộc” giữa chừng.
Song song đó, ngoài thiếu vốn thì thực trạng lợi ích nhóm cũng gây sức ì đối với các HTX. Một số HTX chỉ thực hiện 1 dịch vụ bơm tưới lại không muốn mở rộng hoạt động và thu hút thành viên bởi Ban quản trị lo lắng về vấn đề chia sẻ lợi nhuận.
Xây dựng các HTX kiểu mới
Nguồn nhân lực hoạt động các HTX cũng là việc đáng bàn trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Na - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, nhằm “đánh thức” HTX thì rất cần phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Huyện đã yêu cầu tỉnh cho làm thí điểm trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX trên địa bàn huyện.
Để HTX ngày một lớn mạnh thì công tác tuyên truyền thu hút xã viên là điều cần thiết. Dù vậy cần có những cách thức vận động vừa mềm dẻo vừa đúng thực tế, để khi soi rọi vào thực tiễn, nông dân nhận thấy ưu điểm của kinh tế tập thể mà đồng hành cùng với HTX. Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT, người nông dân đang hiểu nhầm khi tham gia vào HTX thì giá bán nông sản sẽ cao hơn thị trường, mà họ lại không hiểu khi đồng hành với HTX bà con được lợi từ việc mua chung, dùng chung, bán chung để giảm chi phí sản xuất, tăng cao thu nhập.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, để phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác, cấp ủy, địa phương cần xem đây như một “cuộc cách mạng”, phải quan tâm và sâu sát. Ông Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng các HTX kiểu mới từ những HTX hiện tại. Qua đó, các ngành, các cấp, địa phương sẽ hỗ trợ để “lấp đầy” những thiếu sót, giúp HTX mạnh lên. Sau thời gian thử nghiệm thành công mô hình HTX kiểu mới sẽ tiến tới đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng HTX kiểu mới này trên toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đã yêu cầu Sở NN&PTNT cùng chính quyền các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông chọn lựa từ 1 - 2 HTX để làm thí điểm mô hình HTX kiểu mới.
Theo Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn