12:17 EST Chủ nhật, 22/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Xây dựng nông thôn mới – Biểu tượng làm chủ thực sự của giai cấp nông dân

Thứ năm - 24/10/2019 05:29
Cổng Thông tin điện tử Hội NDVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về chủ đề Xây dựng Nông thôn mới- biểu tượng làm chủ thực sự của giai cấp nông dân.
Đồng chí Thào Xuân Sùng và đoàn cán bộ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam thăm trang trại của ông Lê Văn Bình (Nghi Xuân – Hà Tĩnh). Ảnh: Minh Trí

Đồng chí Thào Xuân Sùng và đoàn cán bộ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam thăm trang trại của ông Lê Văn Bình (Nghi Xuân – Hà Tĩnh). Ảnh: Minh Trí

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là chương trình nông thôn mới) là một chương trình tổng thể về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nông thôn Việt Nam do Quốc hội và Chính phủ quyết định và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết số 26 NQ/T.Ư ngày 05/8/2008 của BCH T.Ư Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 10 năm triển khai chương trình, tính đến hết tháng 9.2019, cả nước đã đạt được những thành quả lớn: Có 4.554 xã (51,16%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); có 91/664 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Ba tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương) và TP. Đà Nẵng là 4 địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM…(1). Thành tựu này cho thấy, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện theo đúng tư tưởng dân vận của Bác Hồ, được toàn dân đồng tình, đồng thuận, được kết nối mạnh mẽ theo phương thức xã hội hóa cao độ và hoàn thành sớm hơn một năm so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Trong thành tựu to lớn đó, có vai trò chủ thể của giai cấp nông dân và vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam.
 

Trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào ngày 14.10.2019, các cấp Hội sẽ có cơ hội thảo luận và đánh giá khách quan, đầy đủ hơn về những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, giải pháp cho thời gian tới. Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng ta cùng nhìn lại công cuộc xây dựng nông thôn mới – biểu tượng làm chủ thực sự của giai cấp nông dân, để có thêm một số suy nghĩ về kết quả mà cán bộ Hội và hội viên nông dân cả nước đã chung tay góp sức làm được.
 

Để nông thôn mới thực sự có những tố chất mới, phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế – xã hội, văn hoá truyền thống Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của thời đại, thì thành tố vai trò chủ thể của giai cấp nông dân, một giai cấp hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Nói đầy đủ hơn, để xây dựng nông thôn mới bền vững cần có rất nhiều việc phải làm của nhiều ngành, nhiều cấp và không thể thiếu vai trò chủ thể giai cấp nông dân. Nhưng việc xuyên suốt cả quá trình và là việc quan trọng nhất là phải xây dựng cho được một thế hệ “Người nông dân mới” (2) đông đảo về lượng, lớn mạnh về chất, đủ sức tiếp nhận vai trò chủ nhân ở xã hội nông thôn mới, theo đặc trưng của mô hình xã hội XHCN Việt Nam, tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò “chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới và mọi quá trình kinh tế ở nông thôn.
 

Xây dựng hình mẫu người nông dân thế hệ mới, giàu có về cả vật chất và tinh thần là khát vọng tất yếu của dân tộc ta

Với vị trí nằm trong top 15 các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, hàng nông sản Việt Nam đã có mặt ở trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD vào năm 2018. Có thể nói, trong 33 năm Đổi mới, đặc biệt trong 10 năm gần đây, nông sản Việt Nam chứa trong nó những giá trị văn hoá Việt Nam đã và đang ảnh hưởng tích cực ra những thị trường quan trọng nhất của thế giới và góp phần kết nối mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Để có được những thành tựu đó, sự cần cù, sáng tạo không ngừng của hội viên nông dân có ý nghĩa quan trọng, nhất là vai trò đầu tàu của doanh nhân kinh doanh nông nghiệp và tầng lớp nông dân giỏi. Nông dân – lực lượng to lớn ấy được tập hợp lại ở tổ chức Hội, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, đã làm nên những kỳ tích to lớn trong 89 năm qua. Ngày nay, phong trào điển hình nhất của Hội Nông dân Việt Nam gây được dấu ấn mạnh mẽ chính là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Được Trung ương Hội phát động từ năm 1989 đến nay, phong trào này đã thực sự có ý nghĩa chính trị- kinh tế- xã hội sâu sắc và có sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, là những hạt nhân tiên phong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
 

Bình quân hàng năm, số lượng hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp có hơn 6,2 triệu hộ, chiếm 41,3% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Qua bình xét, mỗi năm có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 57,2 % số hộ đăng ký. Bình quân hàng năm có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm năm 2017 tăng 5 lần so với năm 2012. Trong đó có 1.980 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh có thu nhập từ 2 tỷ đồng trở lên. Hàng chục ngàn hộ nông dân nghèo đã được giúp đỡ từng bước thoát nghèo, trong số này nhiều hộ vươn lên khá, giàu.
 

Những con số trên cho thấy điều gì?
Ở góc độ nhìn thấy được, trong tương quan với tiêu chí “thu nhập” của Chương trình nông thôn mới, đó là phong trào của Hội đã thực sự góp phần thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giúp “người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”(3). Hình ảnh người nông dân truyền thống, gắn với chữ “nghèo hèn” trong quá khứ đã dần khác đi trong vài chục năm qua. Hàng chục nghìn triệu phú nông dân xuất hiện, và với bản chất tốt đẹp “thương người như thể thương thân” của dân tộc, cùng với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và phong trào của Hội, họ cũng là những người đã, tạo việc làm, giúp đỡ hàng trăm nghìn hộ khác thoát nghèo và hào phóng đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân trong sạch, vững mạnh khích lệ những người nông dân chưa giàu có khác tự tin hơn, có nhiều không gian hơn để phát triển trong mối quan hệ đa chiều thông qua xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp với sự liên kết tự nhiên, tự nguyện giữa hội viên nông dân với hội viên nông dân.

 

Ở tầng sâu hơn, các con số đó cho thấy chiều hướng thay đổi tích cực trong “chất lượng” con người nông dân – chủ thể của xã hội nông thôn mới. Phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của hàng triệu nông dân, chuyển dần từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ cá thể sang chủ động hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống là chính sang ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao hơn; từ coi trọng về số lượng sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm, thương hiệu và tính chất phát triển bền vững.
 

Những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chưa phải là tất cả những gì mà người nông dân Việt Nam có, nhưng là bộ phận tiên phong, ưu tú của giai cấp nông dân. Và theo xu thế phát triển, bộ phận này ngày càng lớn mạnh, được bổ sung không chỉ từ chính các tầng lớp nông dân, mà còn từ các giai cấp, tầng lớp khác (công nhân, trí thức, doanh nhân…) quay về đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Với quan điểm tích cực, chủ động xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam (2018-2023) đã thông qua chủ trương lớn mang tính đột phá là “trí thức hoá nông dân”, thu hút thêm chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã, nhà khoa học, cử nhân, học sinh (đủ 18 tuổi), sinh viên các chuyên ngành liên quan đến sản xuất, kinh doanh nông nghiệp… vào tổ chức Hội, tạo lập những liên kết, môi trường sinh hoạt và hợp tác trong nước và quốc tế để thúc đẩy liên kết “6 nhà” theo nhu cầu và lợi ích thực chất.
 

Với chủ trương đưa trí thức gần lại với nông dân, trở thành một bộ phận của “Nhà nông” trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành 3 Nghị quyết số 04 NQ/HNDT.Ư, số 05 NQ/HNDT.Ư, số 06 NQ/HNDT.Ư về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh nhằm trực tiếp kiến tạo một phương thức mới, một cách làm mới trong công tác xây dựng Hội và giai cấp nông dân – con đường kiến tạo tầng lớp “nông dân trí thức”, từ đó mở ra tiến trình trí thức hoá nông dân trên diện rộng và hướng tới bổ sung, cải thiện sâu sắc những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam vì mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
 

Việc thúc đẩy thay đổi tư duy hàng triệu, hàng chục triệu con người không bao giờ là việc dễ dàng có thể làm trong ngày một ngày hai, mà có thể cần đến cả một vài nhiệm kỳ hoặc nhiều hơn của tổ chức Hội. Nhưng một khi “hạt giống” đã được gieo, chủ trương được Đảng lãnh đạo, Nhà nước tạo điều kiện, các cấp Hội tích cực và sáng tạo thực hiện đột phá này, cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, chúng ta có quyền tin chắc chắn rằng sau 5-10 năm nữa, chậm nhất đến năm 2030 (năm đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, cũng là năm kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam), giai cấp nông dân Việt Nam sẽ có thêm phần tự hào về sự lớn mạnh mọi mặt. Trong đó yếu tố trí thức và kỷ luật sẽ trở thành những phẩm chất cốt lõi mới bên cạnh những hành trang tốt đẹp khác, làm nên nền tảng phát triển bền vững của con người và văn hoá Việt Nam, đủ sức “hoà nhập mà không hoà tan” vào tiến trình phát triển của thế giới.
 

Xây dựng kỷ luật lao động và tinh thần hợp tác trong nông dân

Trong hành trang của người nông dân ta đi từ quá khứ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, có được trao truyền nhiều truyền thống quý giá như yêu nước nồng nàn, cần cù chịu khó, chăm chỉ, sáng tạo, thương người như thể thương thân… Nhưng do những điều kiện nhất định về sản xuất và sinh tồn, nhất là nền sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, dựa vào tự nhiên, dựa vào kinh nghiệm, một số “hành trang” đã không còn phù hợp, thậm chí trở thành lực cản lớn trong thời kỳ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hàng hoá lớn và hội nhập quốc tế. Một trong số những điều đó là tính kỷ luật – hợp tác trong sản xuất kinh doanh.
 

Ngược về thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, báo chí vẫn còn lưu lại không ít câu chuyện trục trặc về “liên kết 4 nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học) theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành năm 2002 “Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng”. Bên cạnh những thành tựu đã ghi nhận, cũng có không ít vụ việc nông dân phá vỡ hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy. Kinh tế hợp tác với nhân vật chính là người nông dân, vốn phát huy ưu điểm của nó trong thời chiến, khi sang thời bình đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, vốn được nhìn nhận chủ yếu ở cơ chế quản lý. Nhưng sang thời kỳ mở cửa và hội nhập, câu chuyện cơ chế không còn là “nút thắt” chính nữa. Điểm yếu về “kỷ luật lao động và tinh thần hợp tác” của người nông dân nổi lên như một trong những trở ngại lớn. Đây không đơn thuần là vấn đề nhận thức hay kỹ năng, mà vấn đề nằm sâu hơn trong đổi mới thể chế quản lý Nhà nước và tiềm thức của người nông dân. Vì vậy, quy định pháp luật hay cơ chế chưa đủ tác động để thay đổi hiệu quả trong thời gian ngắn. Càng chậm thay đổi điều này cơ hội của người nông dân trên con đường bước ra thế giới càng giảm.
 

Nói như vậy để thấy rõ thêm, việc Hội Nông dân Việt Nam tìm ra giải pháp tập hợp, hỗ trợ và vận động nông dân là đổi mới, sáng tạo có ý nghĩa. Với những phương thức hỗ trợ tín dụng theo nhóm hộ; tập hợp nông dân, triển khai các dự án thông qua tổ hợp tác, xây dựng và phát triển các chi hội nghề nghiệp, hợp tác xã kiểu mới…, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân thay đổi dần các quán tính cũ: Từ tư duy sản xuất cá thể sang tư duy hợp tác chủ động; từ sản xuất và bán cái mình có chuyển dần sang sản xuất cái thị trường cần; từ tư duy số lượng chuyển dần sang tư duy chất lượng, gia tăng giá trị… Những việc này thoạt nghe qua tưởng nhỏ, nhưng nhìn sâu, nghĩ kỹ mới thấy ý nghĩa thực sự không hề nhỏ, nếu không muốn nói là những bước nhỏ khởi đầu của một hành trình vạn dặm. Việc tập hợp, hỗ trợ và huấn luyện đội ngũ nông dân Việt Nam tuân thủ kỷ luật trong hợp tác sản xuất kinh doanh mà Hội đang thực hiện đã góp phần thực hiện nhóm tiêu chí số 13 của Chương trình nông thôn mới (hình thức tổ chức sản xuất: Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả). Không chỉ dừng lại đó, việc này còn có ý nghĩa sâu xa hơn, từng bước gỡ bỏ những lực cản vô hình để giải phóng sức lao động, sức sáng tạo khổng lồ của giai cấp nông dân Việt Nam trong thời gian tới.
 

Một trong những minh chứng cho điều này có thể thấy rõ trong việc các cấp Hội đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập được 1.135 hợp tác xã và 101.000 tổ hợp tác, cơ bản đang hoạt động có hiệu quả. Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo vận hành hệ thống Quỹ Hỗ trợ Nông dân giai đoạn từ 2010 đến nay hoạt động Quỹ HTND trong toàn hệ thống Hội có bước phát triển mạnh mẽ(4). Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp tính đến ngày 30/6/2019 đạt hơn 3.284 tỷ đồng, tăng hơn 2.737 tỷ đồng so với mốc thời gian 31/12/2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn hệ thống đạt 25,1%/năm. Thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp, nhiều mô hình vay, sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, góp phần gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân đồng thời tạo tiền đề, điều kiện cho phát triển kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã) trong nông thôn. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân đã giúp các cấp Hội Nông dân trên cả nước đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động Hội, đẩy mạnh tập hợp, tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến người nông dân thông qua xây dựng các mô hình kinh tế. Ở khía cạnh thúc đẩy tinh thần hợp tác, thông qua hoạt động hỗ trợ vốn theo nhóm hộ, các cấp Hội đã thành lập được 693 chi hội nghề nghiệp và hơn 14.500 tổ hội nghề nghiệp.
 

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng thành công “người nông dân mới”, chủ nhân xứng đáng của nông thôn mới, từng bước thực hiện vai trò chủ thể trong mọi quá trình kinh tế, xã hội ở nông thôn, chúng ta không thể chỉ thụ động chờ vào sự phát triển tự phát của nông dân, mà cần có bộ phận tiên phong dẫn đường và cụ thể hoá những đường lối, chủ trương của Đảng. Theo Điều lệ Hội, một trong những chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân. Để làm tốt vai trò đại diện, từng bộ phận tổ chức Hội, từng cán bộ Hội, đặc biệt là người đứng đầu, cần phải trở thành những người tiên phong, gương mẫu, không chỉ giỏi công tác dân vận, mà còn phải thành thạo một số kỹ năng cơ bản, hiểu biết khoa học kỹ thuật, công nghệ để có thể trực tiếp hướng dẫn nông dân trong sản xuất, kinh doanh, đủ khả năng thấu hiểu, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hiệu quả những nhu cầu của hội viên nông dân trong thực tiễn, đặc biệt là xu hướng phát triển kinh tế hợp tác hiện nay.
 

Từ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Hội Nông dân trong nhiệm kỳ 2018-2023 về “đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân, hiện đại hóa nông thôn”, Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Hội NDVN khoá VII đã quyết nghị ban hành 3 nghị quyết về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh: (1)Nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; (2) Nghị quyết về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam; (3) Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Những Nghị quyết quan trọng này đang được tổ chức quán triệt cụ thể hóa và triển khai thực hiện đến tất cả các cấp trong hệ thống Hội.
 

Đây là những bước đi mang tính nền tảng cho việc củng cố, xây dựng và mở rộng không gian, phương thức hoạt động Hội, đẩy mạnh phong trào nông dân phát triển đột phá về chất trong 5 đến 10 năm tới. Nền tảng của các nội dung này tập trung vào xây dựng hình mẫu người nông dân thế hệ mới trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tích cực và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết “về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” được coi là nghị quyết quan trọng mang tính đòn bẩy, có ảnh hưởng quyết định đến sự thực hiện thành công của hai nghị quyết còn lại.
 

Việc triển khai thực hiện thành công ba nghị quyết này không chỉ có ý nghĩa đối với công tác Hội và phong trào nông dân, mà còn có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Điều này cũng tương quan thuận chiều với nhóm tiêu chí số 18 của Chương trình nông thôn mới.
 

Một số nhiệm vụ các cấp Hội cần làm tốt trong thời gian tới

Để tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn kiểu mẫu, các cấp Hội sẽ xây dựng hình mẫu người nông dân thế hệ mới – chủ thể của xã hội nông thôn mới” trong những năm tới với những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:
 

Một, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cán bộ và hội viên nông dân cả nước nhận thức rõ Chương trình xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, từ đó động viên mọi nguồn lực của giai cấp nông dân, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
 

Hai, cùng với tuyên truyền, các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên và nông dân hưởng ứng và nhân rộng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, coi đây là một trong những nhiêm vụ quan trọng cần thực hiện triệt để trong thời gian tới phù hợp với điều kiện của từng địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân khu vực nông thôn mới.
 

Ba, tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các cấp, các ngành tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân, từng bước đưa nông dân Việt Nam có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị và trình độ để làm chủ nông thôn mới, làm chủ nền sản xuất hàng hoá tiên tiến, hiện đại.
 

Bốn, phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và địa phương và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, biết tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường. Từng bước xây dựng giai cấp nông dân không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng chính trị, văn hóa, xã hội, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Năm, tích cực xây dựng và củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; đủ sức tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tham gia giám sát, phản biện xã hội.
 

Sáu, tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc tham gia xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW về “ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”, Quyết định số 218-QĐ/TW quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 

Bảy, tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại với nông dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, vướng mắc trong đời sống của hội viên nông dân; kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị chính đáng hợp pháp của nông dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân. 
 

TS. Thào Xuân Sùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN
http://www.hoinongdan.org.vn


Chú giải:
(1) Nguồn: Văn phòng Nông thôn mới Trung ương.
(2) Tham khảo thêm bài viết chuyên sâu về vấn đề này: “Xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Tạp chí Cộng sản (điện tử), ngày 19/01/2018.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập tập 5 tr62, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
(4) Một trong những nội dung quan trọng của Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020 (Đề án 61), theo Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 162


Hôm nayHôm nay : 44538

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 951592

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72634301