Xã Hòa Bình khang trang hơn nhờ biết huy động sức dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/Mai Vy
Là một trong những xã điểm của thành phố Kon Tum trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, khi bắt tay vào thực hiện, xã Hòa Bình gặp nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Tám (thôn 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) cho biết, trước kia, thôn chưa có đường bê tông nên mùa mưa thì lầy lội đất đỏ, mùa nắng thì bụi bay mịt mù. Bà con trong thôn đi lại rất khó khăn. Những hộ dân sống hai bên đường cũng khốn khổ với đất bụi.
Thực hiện mục tiêu bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, những con đường tại thôn 4 đã được xây mới.
Cá nhân ông Tám tự đóng góp 15 triệu đồng để xây dựng, không chỉ vậy, ông còn huy động bà con trong thôn xóm cùng đóng góp, người khá thì góp của, người khó thì góp công. Bình quân mỗi hộ đóng góp 4 triệu đồng. Số tiền còn lại được chính quyền hỗ trợ xây dựng.
Riêng tại thôn 4, từ đầu năm 2015 đến nay, đã bê tông hóa được 9 con đường trong thôn với tổng chiều dài gần 5 km. Các con đường được xây mới đã tạo nên diện mạo mới tươm tất, khang trang cho thôn.
Cùng với con đường thôn 4, các hạng mục khác trong 19 tiêu chí cũng được xã Hòa Bình huy động được sức mạnh tổng lực, trong đó đặt biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân, tạo được nhiều chuyển biến đáng kể. Nhiều công trình giao thông được hoàn thành chủ yếu dựa vào sức dân và nguồn kinh phí huy động từ dân.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ 100% xi măng và 70% vật liệu cát sỏi, còn lại nhân dân đóng góp và bỏ công xây dựng.
Ông Nguyễn Hải Quang, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết, tuy thời gian đầu triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều ý kiến còn khác nhau, nhưng nhờ tập trung tuyên truyền vận động, dần dần người dân đã hiểu ra và đồng thuận hưởng ứng.
Người dân hiến đất, mở đường, mở rào, tham gia đóng góp ngày công, đóng góp tiền trong tỉ lệ 30% mà họ phải tham gia đóng góp.
Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xã Hòa Bình đặc biệt chú trọng đến việc chỉ đạo, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần nâng cao đời sống.
Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã Hòa Bình đã giảm còn 5,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng, gần 95% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, tỉ lệ nhà ở đạt chuẩn chiếm trên 98%.
Cơ sở giáo dục mầm non khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGP/Mai Vy
Đặc biệt, đời sống của bà con tại 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số (Kép Ram, Plei Chor, Plei Dơng) có nhiều bước chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự ổn định và tính bền vững trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh việc nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần, công tác vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cũng được chính quyền và các ngành, đoàn thể của xã đặc biệt quan tâm, nhất là tại 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, xã Hòa Bình đã về đích sớm trong chương trình xây dựng nông thôn mới với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí. Những km đường bê tông, những công trình nhà văn hóa, trường học, trung tâm y tế… hình thành nên là nhờ sự đóng góp về công sức, tiền bạc của toàn dân.
Đồng thời, nhận thức của các tầng lớp nhân cũng được nâng cao trong việc phát huy nội lực để nâng cao chất lượng cuộc sống tại cộng đồng, từ việc học tập, lao động sản xuất, đến xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, mỗi khu dân cư.
Theo baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn