Lo nợ đọng xây dựng
Báo cáo kết quả triển khai giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: tính đến tháng 3-2016, có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM); có 1.223 xã chiếm 13,7% đạt từ 15-18 tiêu chí, 3.155 xã chiếm 37,5% đạt từ 10-14 tiêu chí, 2.123 xã chiếm 25,4% đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 326 xã chiếm 3,9% dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010.
Tuy nhiên, ông Giàu cũng thẳng thắn thừa nhận, ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với nhu cầu và khả năng thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước. “Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất“- ông Giàu nói.
Lo ngại trước việc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, hiện nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương quá nhiều, trong khi đó khả năng trả nợ không có. Lo nhất là địa phương lại chuyển đổi mục đích sử dụng, bán đất nông nghiệp trả nợ. “Không khéo được cái này thì mất cái kia”- ông Phúc nói.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải nói: “Cần chỉ đạo quyết liệt hơn nếu không nợ đọng xây dựng quá đà thì không kiểm soát được. Nợ đọng xây dựng ở xã cũng giống như nợ công của quốc gia vậy, xử lý không khéo sẽ phát sinh các vấn đề xã hội. Cho nên cần đánh giá lại chúng ta có chạy theo hình thức không? Bởi khi kiểm tra thì thấy không đạt như mong muốn. Ngân sách đã được phân công, tỉnh, huyện chỉ đạo nhưng xã thì lại nợ.
Cả ông Phúc và ông Hải đều cho biết, với nhiều nước khi phát triển nông thôn, họ tập trung vào sản xuất để có sản phẩm tốt chư không chỉ đi vào hạ tầng như ta.
Phong trào xây dựng nông thôn mới xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên,
tỉnh Lào Cai (năm 2011).
Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thành công tại sao trong nước lại không?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cũng yêu cầu phải đánh giá xem đã thực sự đi vào cuộc sống chưa? Đã nâng cao được đời sống nông dân chưa hay chỉ là hình thức? Các công trình đã sử dụng hết hiệu quả hay còn lãng phí? Đưa ra dẫn chứng nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất nông nghiệp ra nước ngoài như sang Mỹ, New Zealand, Nga, Úc, Lào thì rất hiệu quả. Bên cạnh các yếu tố đất đai, khí hậu thì theo ông Dũng đó chính là yếu tố chính sách. Từ đó ông Dũng đề nghị cần xem lại cơ chế chính sách của ta và họ có gì khác nhau để điều chỉnh.
Cũng ở vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thành công tại sao trong nước lại không?”. Từ đó, ông Hải đề nghị cần đánh giá thực chất vốn tín dụng trong nông nghiệp, theo đó vay để phát triển sản xuất hay để tiêu dùng? “Cái khó là làm sao nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nơi nào làm được thì thấy ngay chứ hiện nhiều nơi thanh niên không có việc làm, trong khi đó tác động của khoa học - công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp cũng chưa đạt, nhất là các vùng trung du ven biển và vùng có nhiều khó khăn”- theo ông Hải.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Nên xác định tiêu chí phù hợp chứ tiêu chí bưu điện xã là không có tác dụng, vì điện thoại, internet đã vào tận nhà thì bưu điện không có ý nghĩa, hay tiêu chí về chợ, chợ là do dân cư chứ không phải áp đặt người ta vào, chính vì thế hiện nhiều chợ xây dựng nhưng dân có vào đâu, rất lãng phí”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, tồn tại lớn là mới có 19,7% xã đạt NTM trong khi mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 50% vào năm 2020. Hiện có 9 nơi (trong đó có Hà Nội) chưa ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Vì vậy cần đánh giá lại tiêu chí nào phù hợp? Tiêu chí nào cần sửa đổi bổ sung? Tương tự, Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền cho rằng, “quan trọng là hiệu quả sau đầu tư đạt như thế nào? Năng suất là bao nhiêu? Hiệu quả cuối cùng không phải chỉ là xây dựng kết cấu hạ tầng”.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong giám sát không thể không lưu ý đến các vấn đề tồn tại của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, từ đó đặt ra mục tiêu trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần đánh giá cho thực chất hơn, những xã đã được công nhận NTM rồi thì sắp tới cần làm gì để phát triển. Nếu không, được một vài năm lại đi tụt trở lại “nông thôn cũ” là không được.
Theo: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn