23:15 EST Thứ ba, 24/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Xây dựng nông thôn mới - Kinh nghiệm từ một xã điểm

Thứ tư - 24/07/2013 22:42
Xác định và lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với lòng dân là mạch nguồn quyết định cho sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.
1. Tháng 6-2010, Quý Lộc (huyện Yên Định) được UBND tỉnh Thanh Hóa chọn là một trong 11 xã chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) theo chương trình mục tiêu Quốc gia để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Mặc dù là một xã đã có nền tảng kinh tế - xã hội phát triển tương đối toàn diện trong nhiều năm trước đó, năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (sau danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang được phong tặng năm 2003) với nhiều thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH, nhưng Quý Lộc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế bộc lộ nhiều bất cập, chưa thích hợp với nền kinh tế thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập.
Là một xã lớn, đông dân, thuộc vùng bán sơn địa, được sáp nhập từ hai xã Yên Quý và Yên Lộc trước đây, Quý Lộc có diện tích tự nhiên 1.370ha (gồm cả đồng bằng, đất bãi ven sông, đất đồi và núi đá), trong đó diện tích đất canh tác là 869ha, bình quân 685m2/người; dân số gần 12.700 người với 3.065 hộ, trong đó có 185 hộ (875 người) theo đạo Thiên Chúa. Xã có 12 thôn, 2 làng, giáp ranh với 8 xã của 3 huyện  khác trong tỉnh (Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định); Đảng bộ xã có 450 đảng viên sinh hoạt trong 18 chi bộ. Điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng; trình độ dân trí ngày càng được nâng lên là những điểm thuận lợi cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng chứa đựng nhiều khó khăn nếu không xác định đúng đắn hướng đi mới.
Từ năm 2005-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm có xu hướng chững lại; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; công tác dồn điền đổi thửa gặp nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách chưa sát với thực tiễn; ngành nghề và các trang trại, gia trại gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; sản phẩm sau thu hoạch chưa được bảo quản, chế biến và khó tìm được thị trường thích hợp. Thu nhập của người dân sau nhiều năm liên tục tăng chậm, chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 17,375 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (14,68%), tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp lớn (65%).
So với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vào thời điểm được chọn làm mô hình thí điểm, Quý Lộc còn 8/19 tiêu chí, mới chỉ đạt từ 30- 60%, chủ yếu là các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội cần nhiều vốn và liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý, đầu tư, đất đai và tâm lý xã hội như: giao thông nông thôn (toàn xã mới cứng hoá được 65% trong tổng chiều dài 41km); giao thông nội đồng (mới cứng hoá được 50% trong 43 km); hệ thống kênh mương được xây vỉa (mới đạt 30% trong gần 70 km) chưa đảm bảo cho đi lại và phục vụ sản xuất. Trong 11 tiêu chí được đánh giá đã đạt chuẩn, có nhiều tiêu chí chứa đựng những yếu tố không bền vững, có nguy cơ giảm sút, như nước sạch, môi trường, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, …
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, đồng thời thực hiện đạt và vượt chuẩn 8 tiêu chí còn lại, nhiệm vụ đặt ra cho Quý Lộc hết sức nặng nề. Bên cạnh những khó khăn lớn về vốn, áp lực về thời gian (chỉ thí điểm trong 2 năm), Quý Lộc còn phải vượt qua cả những rào cản nặng nề về tâm lý, tư tưởng của nhân dân, trong đó có cả cán bộ đảng viên. Trong Đảng bộ, có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, cho rằng tiềm năng, năng suất lao động và khả năng phát triển của Quý Lộc đã đến độ “cao nhất”, nên cần phải có sự hỗ trợ căn bản của Nhà nước. Tỉnh, huyện hỗ trợ đến đâu làm đến đó.
Trước tình hình trên, Đảng bộ xã Quý Lộc chủ trương: (1) Dựa vào bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, rà soát, đánh giá đúng thực trạng các tiêu chí xây dựng NTM của xã; (2) Xác định đúng cách làm, bước đi cho từng loại hình công việc, từng tiêu chí cụ thể của chương trình xây dựng NTM; (3) Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động trí tuệ của cán bộ đảng viên và nhân dân “hiến kế” vào việc xây dựng các đề án của chương trình. Trước hết, Đảng bộ tập trung rà soát, đánh giá lại quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp); rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ và thực trạng nền kinh tế - xã hội của xã. Trên cơ sở đó, xác định khách quan, khoa học, sáng tạo các nhiệm vụ và lộ trình thực hiện.
Dựa vào bộ tiêu chí quốc gia, đối chiếu với kết quả rà soát, xã đã tập trung xây dựng các đề án sát với thực tiễn. Việc lựa chọn các nhóm tiêu chí để triển khai thực hiện cũng được quan tâm phân bổ theo từng loại công việc và từng thời điểm thích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của xã. Dứt khoát không chạy theo thành tích, hình thức, phô trương; tránh mọi biểu hiện nôn nóng, chủ quan, duy ý chí như các đề án, dự án trong các phong trào trước đây “cứ đề ra rồi vừa làm vừa sửa, vừa làm vừa điều chỉnh”.
Song song với quá trình này, Đảng bộ tập trung tìm hiểu, giải đáp những vướng mắc trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền cho mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và đóng góp sáng kiến cho việc xây dựng NTM. Ý kiến của nhân dân được tiếp thu trên tinh thần tôn trọng và cầu thị. Đây là điểm mấu chốt, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị và nhân dân trong xã.
Chính vì vậy, Quý Lộc đã xác định đúng đắn nhiệm vụ và hướng đi thích hợp. Đến tháng 11-2010 đề án xây dựng NTM của xã đã được UBND huyện Yên Định phê duyệt với khái toán kinh phí 225,5 tỷ đồng.
2. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện được chú trọng; vai trò của cấp ủy được thể hiện tích cực. Trên tinh thần: tinh giản - linh hoạt - năng lực - hiệu quả, Đảng ủy, HĐND và UBND xã đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã, do Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban; thành lập Ban Quản lý Chương trình xây dựng NTM do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ và Phó Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban; tham gia Ban Quản lý có đại diện các ngành chuyên môn của xã và trưởng các thôn. Các ban Phát triển thôn cũng được thành lập do Bí thư Chi bộ thôn làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo xã thành lập 5 tổ công tác gồm: Tổ Phát triển kinh tế; Tổ Xây dựng cơ sở hạ tầng; Tổ Văn hoá - Xã hội; Tổ Công tác tổ chức và hệ thống chính trị; Tổ Quốc phòng - An ninh. Các tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo những biện pháp giám sát, tăng cường quản lý và hướng khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Những người được lựa chọn tham gia vào các vị trí trong Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và các tổ công tác đều là những người có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, công tâm trong công việc và có uy tín trong nhân dân. Kiên quyết tránh các biểu hiện hình thức, “mặt trận” và cục bộ thôn, xóm, dòng họ.
Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể như: Ủy ban MTTQ xã làm công tác tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, huy động các nguồn lực, tham gia giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hội Nông dân vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa; thực hiện chương trình vệ sinh đường làng; công tác xoá đói giảm nghèo, quản lý bảo vệ tốt tuyến đường Hội tự quản. Hội Phụ nữ tuyên truyền thực hiện cuộc vận động nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; hỗ trợ vốn giúp nhau xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; làm tốt công tác vệ sinh trong từng gia đình với phương châm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Hội Cựu chiến binh vận động hội viên, gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế gia trại, trang trại, cải tạo vườn tạp, xây dựng các công trình vệ sinh. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xung kích đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, bảo vệ an ninh trật tự của địa phương; tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ Bảo vệ dòng sông quê hương, tuyến đường tự quản; xây dựng bộ mặt nông thôn xanh - sạch - đẹp. Hội Người cao tuổi thực hiện cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; khuyến khích con cháu thực hiện tốt công cuộc xây dựng NTM; tham gia bảo quản, sử dụng khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hoá, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá của quê hương.
Trong quá trình triển khai thực hiện, vai trò của cấp ủy đặc biệt được coi trọng. Trước hết là tinh thần đoàn kết, dân chủ, gương mẫu và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương và những quyết định đã được ban hành. Trong mọi lĩnh vực, cấp ủy đều là hạt nhân của phong trào; những việc khó, cấp ủy chỉ đạo cán bộ đảng viên làm trước, làm mẫu để nhân dân học tập, làm theo. Các mối quan hệ công tác, trách nhiệm giữa cấp ủy và chính quyền; giữa cấp ủy với các đoàn thể chính trị, với Ban Chỉ đạo Chương trình và các tổ chức xây dựng NTM trong xã đều được quy định chi tiết, tránh được các biểu hiện chồng chéo, “lấn sân” hoặc “cha chung không ai khóc”.
3. Tinh thần dân chủ được đề cao, nội lực được phát huy, sản xuất phát triển mạnh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong quá trình triển khai các đề án xây dựng NTM, từ khâu rà soát, lập quy hoạch, xây dựng nhiệm vụ, đến triển khai thực hiện các nội dung cụ thể đều được đưa ra Đảng ủy bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai. Sau đó, lấy ý kiến thông qua hội nghị nhân dân của từng thôn và toàn xã, để bổ sung vào chủ trương của Đảng bộ. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM được chuyển tải đầy đủ đến nhân dân, giúp mọi người dân hiểu rõ mục đích, nội dung của chương trình, ủng hộ chủ trương của Đảng ủy xã, nhất là chủ trương “tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ”. Ngoài hệ thống loa truyền thanh, các pano, áp phích trên các khu công cộng, các khu dân cư tập trung và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, nhiều phương pháp tuyên tuyền hữu hiệu được tổ chức, lồng ghép thông qua các hội nghị thôn, các buổi sinh hoạt thường kỳ của các đoàn thể, các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM do các chi bộ, đảng bộ, các hội: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... phát động, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp nhân dân. Hàng nghìn lượt ý kiến đóng góp của nhân dân được tổng hợp và xem xét bổ sung trong quá trình xác định nhiệm vụ và triển khai thực hiện chương trình.
Trên tinh thần phát huy dân chủ và dựa trên nguyên tắc “tiếp cận dựa vào nội lực” là chính, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, của tỉnh và huyện được vận dụng sáng tạo vào từng nội dung công việc, từng nhóm tiêu chí, hoặc từng tiêu chí cụ thể trong chương trình xây dựng NTM của xã. Xã không làm thay, không hỗ trợ bình quân, mà tập trung hỗ trợ vào những lĩnh vực khó, cần đầu tư vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật... giúp cho người dân tăng thêm điều kiện để phát huy tối đa năng lực của mình.
Nhờ đó, chủ trương của Đảng bộ xã được nhân dân hưởng ứng triệt để. Phong trào tự lực, tự cường, đóng góp sức người sức của cho xây dựng NTM, nhất là cho xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất, văn hóa - xã hội như giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế; nhà văn hóa đa năng... ngày càng được nhân lên. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ đó cũng được phát huy. Bằng nội lực của nhân dân, trên địa bàn xã đã hình thành 5 doanh nghiệp, 7 HTX dịch vụ và quỹ tín dụng, 15 tổ hợp sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, hương xuất khẩu, 586 hộ kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả, thu hút 2.950 lao động với thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Chăn nuôi phát triển tập trung vào 2 loại hình trang trại và gia trại. Toàn xã có 171 trang trại và gia trại, đứng đầu cả tỉnh về số lượng và quy mô sản xuất. Trong đó có 9 trại gà công nghiệp quy mô 10 nghìn con/lứa, 10 trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại và chăn nuôi bò quy mô lớn; 30 hộ nuôi nhím, dê, thỏ, chim bồ câu... Năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi  hàng năm đều tăng, Các hoạt động văn hóa - xã hội đều được nâng cao chất lượng.
Trong hai năm, toàn xã đã huy động hơn 268,930 tỷ đồng (tăng 20% so với dự toán ban đầu) và trên 24.800 ngày công của nhân dân đóng góp vào xây dựng NTM. Trong tổng nguồn vốn đầu tư cho tất cả các hạng mục chỉ có 16,8% là hỗ trợ của ngân sách Trung ương, của tỉnh và huyện, còn lại là từ nội lực của xã. Điều này cho thấy, Quý Lộc còn chứa đựng nhiều tiềm năng và khả năng phát triển. Đồng thời, minh chứng rằng, khi tinh thần quyết tâm, tính tự lực tự cường của nhân dân được khơi dậy, thì tiềm năng ấy được phát huy cao độ; khi chủ trương phù hợp với thực tiễn, phù hợp với lòng dân, thì mọi khó khăn đều trở nên dễ dàng, đúng với triết lý: “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
4. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng chương trình được tổ chức thường xuyên, có hiệu quả, tạo dựng được niềm tin trong nhân dân. Mục đích hướng tới sự công khai minh bạch, phòng ngừa là chính, các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng chương trình đã góp phần mang lại hiệu quả quan trọng trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện các đề án; vừa phát hiện kịp thời những thiếu sót, bất cập để bổ sung, khắc phục; vừa ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, cực đoan duy ý chí. Đây là mấu chốt rất quan trọng tạo nên niềm tin, tinh thần hăng say lao động, sáng tạo, hướng tới sự tham gia, đóng góp tích cực của mọi thành phần kinh tế và của mọi người dân.
Trong hai năm thực hiện, Ban Chỉ đạo đã tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra, giám sát các công trình có vốn đầu tư lớn; thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ các công trình vừa và nhỏ; tổ chức kiểm tra đột xuất các công trình có biểu hiện tiêu cực, kém chất lượng qua ý kiến phản ánh của nhân dân và các tổ giám sát. Quá trình kiểm tra đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm nhỏ, kịp thời xử lý và điều chỉnh, không để xảy ra những vi phạm lớn nghiêm trọng.
Nhờ đó, tiến độ thực hiện, năng suất, chất lượng và hiệu quả chương trình đều đạt cao. Mặc dù đầu tư lớn, với nhiều hạng mục, nhưng không xảy ra thất thoát tài sản, kinh phí, gây hậu quả xấu cho chương trình. Đội ngũ cán bộ được rèn rũa, tôi luyện và trưởng thành. Xã có 23 cán bộ, công chức, đạt chuẩn 100%. Niềm tin của nhân dân được nâng lên, không có các đơn thư khiếu tố, khiếu nại vượt cấp; hệ thống chính trị đạt cao về chất lượng. Đảng bộ và chính quyền xã 20 năm liên tục đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh và đơn vị xuất sắc toàn diện; các đoàn thể chính trị đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Năm 2011, Quý Lộc được công nhận đạt xã văn hoá cấp tỉnh. An ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu trên giao.
Phong trào thí điểm xây dựng NTM, đưa Quý Lộc về đích đúng thời gian cả 19 tiêu chí, trong đó có 8 tiêu chí đạt được trong 2 năm gồm: giao thông, thuỷ lợi, cơ sở vật chất trường học, văn hoá, chợ, hộ nghèo, cơ cấu lao động, môi trường. Nhiều tiêu chí vượt chuẩn từ 12-20% so với bộ tiêu chí quốc gia. 
Năng suất lao động được nâng lên, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,67% (giảm 10%), thấp hơn 1,33% so với tiêu chí quốc gia; cơ cấu lao động được chuyển dịch tích cực, lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên là 98,2%, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là 42,8% (giảm 20%), cũng là kết quả khẳng định sự thành công của đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn do xã phối hợp với Liên hiệp các hội KH-KT tỉnh triển khai từ năm 2006 (lúc đó lao động nông nghiệp chiếm 90%). Hình thức tổ chức sản xuất dựa trên mối quan hệ 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, khoa học và nhà nông) càng khăng khít và có nhiều chuyển biến tích cực. Các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả ngày càng tăng lên, hướng vào sản xuất chất lượng, bền vững. Chương trình xây dựng "Cánh đồng cao sản" gồm 40 ha trong trồng trọt trước đây do Liên hiệp hội đề xuất, đã đạt kết quả vượt trội cả về năng suất, chất lượng và diện tích, nay được tỉnh chọn nâng lên là: "Cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả" với diện tích 500 ha. Sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh có lãi từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/năm.
Điều đặc biệt là nhận thức và năng lực sản xuất của người dân được nâng lên, từ cung cách làm ăn, đến trách nhiệm xã hội đều được thay đổi tích cực. Người dân không còn chờ đợi, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây mà tự nguyện đầu tư, đóng góp, phát triển sản xuất. Nhiều gia đình đã tự nguyện di dời nhà cửa, vườn trại, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Trong xã không còn những người chây lười lao động, dựa dẫm vào tập thể. Bà con đoàn kết, chăm chỉ làm ăn và thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Có thể nói, toàn xã Quý Lộc đã trở thành một "công trường" sản xuất tấp nập, đa ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa, CNH, HĐH. Những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Quý Lộc trong quá trình triển khai xây dựng NTM đã thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, làm cho bộ mặt nông thôn của một vùng quê vốn rất nghèo khó trong những thời kỳ trước đây, có lúc cực kỳ khó khăn cả về kinh tế - xã hội và bộ máy lãnh đạo, nay đã được “thay da đổi thịt”, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và huyện nhà, trở thành một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM của cả nước./.
 
TS. Nguyễn Thành Vinh   
Nguồn: tuyengiao.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 265

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 264


Hôm nayHôm nay : 53558

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1079282

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72761991