Trong số các xã ở huyện ven biển này, xã Quỳnh Bảng là một ví dụ điển hình cho những việc làm thiết thực trên để phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Có dịp về xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên và phấn khởi trước diện mạo khang trang của thôn xóm. Các tuyến đường giao thông đều được nhựa hóa và cấp phối hóa.
Nhiều công trình giao thông được làm mới, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi
Trong quá trình xây dựng đường giao thông, do hiện trạng đường cũ đều nhỏ hẹp, trong khi đó kinh phí hỗ trợ của nhà nước lại không nhiều, nên để đường to, rộng rãi phải có sự tự nguyện đóng góp hiến đất, tháo dỡ các công trình... của người dân hai bên đường.
Để “khơi nguồn” hiến đất trong dân, UBMTTQ và các hội, đoàn thể đã vào cuộc tuyên truyền, vận động để các đoàn viên, hội viên và người dân nhận thức rõ về lợi ích xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông, từ đó tự nguyện tham gia đóng góp. Cán bộ, đảng viên sẽ là những “hạt nhân nòng cốt” tiên phong đi trước, tuyên truyền để các hộ dân làm theo. Với cách làm này, hàng trăm hộ dân trong xã có con đường đi qua đã tham gia hiến hàng nghìn mét vuông đất. Điển hình trong việc hiến đất làm đường như hộ anh Hồ Ngọc Cần; Hồ Đình Công; Phan Văn Ngạị; Hoàng Danh Nhu, Lê Văn Thống…
Ông Hồ Ngọc Cần, trú thôn Tân Hải (Quỳnh Bảng) chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của cả nước và mục đích lớn nhất của chương trình chính là làm thay đổi diện mạo của nông thôn và nâng cao đời sống cho những người nông dân như chúng tôi. Việc làm của chúng tôi không chỉ vì lợi ích chung mà thực tế có cả lợi ích cho mỗi gia đình trong đó. Đường giao thông được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao, ổn định đời sống, sản xuất cho bà con”.
Người dân đóng góp ngày công xây dựng đường làng
Ông Hồ Đình Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bảng cho biết: “Do được sự đồng thuận cao của người dân, nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công rất thuận lợi. Giải phóng mặt bằng đến đâu là các hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bồi thường”.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ban quản lý chương trìnhNông thôn mới xác định những việc làm đều phải phù hợp với ý muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, phong trào hiến đất ở các thôn, xóm đã được sự hưởng ứng của tất cả người dân.
Xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vận động thành công
nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình giao thông
Tính đến tháng 4/2015, toàn xã Quỳnh Bảng đã có 3.549 m2 đất do người dân tự nguyện hiến để xây dựng công trình giao thông. Trong đó, đất ở là 2.595m2 trị giá trên 1,5 tỷ đồng, còn đất nông nghiệp là 954m2 trị giá trên 150 triệu đồng.
Hiện nay, cùng với Quỳnh Bảng, các xã khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, người dân cũng đã và đang hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường.
Có thể nói, thành công bước đầu từ phong trào hiến đất làm đường Quỳnh Lưu nói chung, và ở xã Quỳnh Bảng nói riêng là sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền đến người dân. Đồng thời, đây cũng là chìa khóa để xã Quỳnh Bảng thực hiện thành công chủ trương lớn của Ðảng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Hải An
Theo nguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn