Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2010, tỉnh Thái Nguyên có duy nhất một xã đạt 12 tiêu chí về nông thôn mới (NTM). Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 4,85 tiêu chí/xã. Đến nay, số tiêu chí bình quân đã đạt 16,5. Năm 2018, thu nhập của người dân nông thôn đạt 38,63 triệu đồng (tăng 3,53 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 8,47%, thấp hơn 2 lần so với mức trung bình của 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Dự kiến, đến hết năm 2019, Thái Nguyên sẽ có 101/139 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM (đạt 72%, cao gấp 2,3 lần so với bình quân của khu vực miền núi phía Bắc). Qua đó, Thái Nguyên được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong xây dựng NTM của khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương và chúc mừng những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua để có đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Thái Nguyên cũng còn có một số tồn tại nhất định trong xây dựng nông thôn mới, khi nông thôn phát triển chưa đồng đều, trình độ phát triển giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch, một số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp.
Qua đó, Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh cần chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; ưu tiên quan tâm bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK, căn cứ cách mạng.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đời sống nông thôn Thái Nguyên không ngừng đổi thay. |
Đặc biệt, từ đề xuất của địa phương, Phó Thủ tướng đã giao Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan phối hợp nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn trong giai đoạn mới theo hướng: Có nhóm tiêu chí cứng nhằm đánh giá mặt bằng chung; có nhóm tiêu chí mềm để phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền; bổ sung các tiểu tiêu chí đánh giá về chất lượng cuộc sống, chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của cư dân nông thôn; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các tiêu chí về chợ, trung tâm văn hóa, quy hoạch... Nghiên cứu hỗ trợ Thái Nguyên thực hiện một số mô hình điểm trong xây dựng NTM. như: mô hình “Xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa”, mô hình “Bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM”; mô hình “Du lịch cộng đồng”,…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn