Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta vui mừng với những kết quả quan trọng và khá toàn diện, nổi bật. Kết quả đến nay, các xã trong toàn tỉnh đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, tăng 7,2 tiêu chí so với năm 2011; đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hết năm 2015 có tổng số 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có thể nói, với sự chỉ đạo, điều hành sáng tạo, quyết liệt, toàn diện của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đã đem lại kết quả bước đầu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên những khởi sắc, sự đổi thay trên khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Duy Hùng |
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nhìn nhận khách quan, đánh giá thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Chưa làm cho người dân ý thức xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của nhân dân, mỗi người dân phải làm từ nhà trở ra; chất lượng quy hoạch nông thôn mới còn nhiều mặt hạn chế; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa chủ động sáng tạo, hiệu quả chưa cao; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Phát triển sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, tuy đã xây dựng được một số mô hình nhưng ở nhiều nơi sản xuất còn manh mún, phân tán; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất vẫn là khâu yếu, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm không có thương hiệu, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong sản xuất; đời sống của một bộ phận nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thu nhập còn thấp giảm nghèo chưa vững chắc; một số địa phương xây dựng chương trình nặng về bê tông hóa không giữ được nét văn hóa truyền thống. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa chưa chú trọng; việc tổ chức việc cưới, việc tang, các hoạt động lễ hội chưa thực hiện tốt theo nếp sống văn minh và hương ước, quy ước của thôn, xóm bản. Có nơi còn tiềm ẩn những phức tạp về an ninh dân tộc, tôn giáo… Tại hội nghị này và trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp khắc phục.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ 2015-2020 là phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay từ những tháng đầu của nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang khẩn trương cụ thể hóa và lãnh đạo tổ chức thực hiện, tập trung vào 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 15 chỉ tiêu chủ yếu, 10 nhóm giải pháp lớn, trong đó phấn đấu đến năm 2020, có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa là một trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế tạo ra những cơ hội thuận lợi cho phát triển, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, sự cạnh tranh gay gắt, tác động đến tất cả các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trước bối cảnh và yêu cầu đó, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự ổn định, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tôi đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, chủ động, sáng tạo, tập trung 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới, nhất là quan điểm: “nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về các yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới. Coi xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các phong trào, cuộc vận động khác, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân hăng hái tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực.
Các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn phải gắn chặt với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án: như dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để tập trung nguồn lực thực hiện đạt hiệu quả cao.
Ba là, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan ở tất cả các xã, làm cơ sở quản lý và thực hiện quy hoạch; tiến hành quy hoạch các cụm dân cư gắn với phát triển các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã.
Tiếp tục thực hiện nội dung các tiêu chí nông thôn mới với lộ trình hợp lý, bảo đảm vững chắc, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập của nhân dân. Tập trung phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa, tập trung đối với một số cây trồng chủ lực như nguyên liệu giấy, mía, chè, cam, lạc, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm đặc sản của từng địa phương. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp.
Khai thác các tiềm năng về lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường để đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch, các dịch vụ ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động.
Bố trí hợp lý các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa xây dựng nông thôn mới theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn; huy động nội lực tại địa phương và sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn, tập trung các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở y tế, công trình cấp nước sinh hoạt, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh tham gia thực hiện xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng gắn với sân thể thao; cứng hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bốn là, cùng với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội ở khu vực nông thôn, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh ở từng khu dân cư. Quan tâm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nhất là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sản xuất và sinh hoạt, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường; hướng dẫn nhân dân chỉnh trang khuôn viên từng gia đình; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi, giữ gìn cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc.
Năm là, làm tốt công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thực sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành của chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện.
Thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, quan liêu, giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.
Sáu là, tăng cường hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành cần cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong kế hoạch, chương trình công tác đảm bảo cụ thể, thiết thực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới, giải quyết kịp thời các vướng mắc ngay ở cơ sở; gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ, đảng viên.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các cấp. Định kỳ sơ kết, đánh giá, nhân rộng những mô hình hiệu quả, những cách làm sáng tạo; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các ban, bộ, ngành Trung ương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục quan tâm giúp đỡ để Tuyên Quang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được thành tựu to lớn hơn.
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát huy những kết quả và kinh nghiệm sâu sắc qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xây dựng nông thôn Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa quê hương cách mạng trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Báo Tuyên Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn