Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), sau gần 2 năm thực hiện tiêu chí về văn hóa (tiêu chí 06 và 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong cả nước đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở theo mô hình xã hội hoá các khu trung tâm thể thao - giải trí hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành.
Một số địa phương đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian, từ đó thu hút người dân ở thôn, bản, ấp tham gia thường xuyên hơn vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hoạt động lễ hội đã phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân (ảnh: Bảo Thoa) |
Nâng cao đời sống văn hóa, thể thao
Nhiều năm qua, phong trào thể dục, thể thao được nhân dân tham gia và ngày càng phát triển mạnh, được thể hiện qua hàng trăm cuộc thi đấu nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện. Cùng với đó, các lớp dạy võ thuật; câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, xe đạp đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Cũng vì vậy, cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao được chú trọng, nhiều tổ chức cá nhân mạnh dạn đầu tư sân bãi và cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao... Ở những nơi có đủ điều kiện còn mở thêm các dịch vụ như: Tập luyện thể hình, tập yoga, dạy võ thuật; dạy khiêu vũ; dưỡng sinh... Qua đó, góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao của mỗi địa phương. Đặc biệt các "xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" về cơ bản đã đạt chuẩn tiêu chí 06, trong đó có khu vui chơi dành cho trẻ em.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại Nhà Văn hóa - khu thể thao thôn, làng, bản đã trở thành phong trào rộng khắp. Bằng nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt, sáng tạo kết hợp vừa xây mới, vừa khôi phục tận dụng sử dụng những thiết chế có sẵn như đình làng, chùa, hội trường ủy ban, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà gươl, nhà dài, nhà rông ở vùng đồng bào dân tộc… đã tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân, tạo sự gắn bó đoàn kết cộng đồng.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều thiết chế văn hóa làng, thôn, bản với các tên gọi khác nhau, tùy theo đặc điểm của mỗi địa phương như Trung tâm Văn hóa làng (Đông Anh, Hà Nội), Điểm sinh hoạt văn hóa khu dân cư (Phú Thọ), Nhà văn hóa thôn, bản (Sơn La, Tuyên Quang), Hội quán (ở một số tỉnh miền Trung), nhà gươl, nhà dài, nhà rông (tại các tỉnh Tây Nguyên)… cho thấy, dù tên gọi khác nhau nhưng các địa phương đều chung một mục đích khi chỉ đạo, tổ chức xây dựng các thiết chế văn hóa thôn, làng, bản là xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, điều kiện về cơ sở vật chất cũng như tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí tiếp cận thông tin và sáng tạo các giá trị văn hóa của người dân ở cơ sở.
Xây dựng làng văn hóa đạt chuẩn
Về thực hiện tiêu chí 16 với nội dung “Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VHTT&DL”, Cục Văn hóa Cơ sở cho biết, việc xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, khối phố văn hoá đã phát huy được vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Từ chiếc nôi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu, rộng, thu hút trên 90% gia đình sinh sống ở nông thôn. Phong trào đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân.
Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương nơi cư trú, góp phần không nhỏ vào thành công chung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước, các phong trào của địa phương.
Theo kết quả của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát năm 2017 và đánh giá của dư luận xã hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần, ví dụ: Trong việc cưới: Xưa có nạn tảo hôn, ép hôn, quá nhiều nghi lễ.Nay thực hiện nếp sống văn minh, những nét đẹp vẫn được bảo tồn, phát huy, tính tự nguyện trong hôn nhân được đề cao, tổ chức cưới gọn nhẹ hơn, giảm những thủ tục rườm rà, chỉ mời khách trong phạm vi gia đình, dòng tộc, không thuốc lá và hạn chế rượu, bia. Một số địa phương tổ chức đám cưới tập thể cho các đôi nam nữ tại các khu công nghiệp. Việc tang: Xưa diễn ra với nhiều thủ tục công đoạn, trong đó có cả trừ tà, xem bói, khóc mướn, lăn đường, ăn uống linh đình...
Các nội dung xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá đã đưa việc tang vào hương ước, quy ước ở cộng đồng cam kết cùng nhau thực hiện theo hướng văn minh, tiến bộ, nhiều địa phương đã quy hoạch và xây dựng nghĩa trang, hỗ trợ hỏa táng. Hoạt động lễ hội đã phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân, có tác dụng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đa số lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, nhiều địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, vận động cộng đồng loại bỏ những tập tục lạc hậu, tổ chức lễ hội đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý tiền công đức hiệu quả, công khai, minh bạch. Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được nhân dân đón nhận và cụ thể hóa thông qua các tiêu chí xây dựng bản, tổ dân phố văn hoá của địa phương.
Bảo Thoa/laodongthudo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn