Là nội dung chính trong tiến trình xây dựng NTM ở khu vực ngoại thành Hà Nội, phong trào xây dựng Làng văn hóa, công tác xây dựng Làng văn hóa được các huyện hết sức chú trọng. Hệ thống Nhà văn hóa các thôn, làng được đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, thể thao… Công tác đăng ký, bình xét, công nhận và trao tặng danh hiệu Làng văn hóa được thực hiện theo đúng Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND Thành phố. Ban Chỉ đạo Thành phố luôn yêu cầu các địa phương phải đảm bảo chất lượng trong quá trình bình xét công nhận như tổ chức kiểm tra từng thôn làng theo tiêu chuẩn đã định; căn cứ vào thực tế, không đặt nặng mức hoàn thành chỉ tiêu cụ thể giao hàng năm vào đánh giá kết quả phong trào... Tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu nghiêm túc, long trọng, trở thành ngày hội văn hóa của các thôn làng được công nhận nhằm tôn vinh danh hiệu này, có tác dụng cổ vũ, động viên các thôn làng tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được, đồng thời, là mục tiêu hướng tới của những thôn làng đang trong quá trình phấn đấu. Đến hết năm 2018, toàn Thành phố có 1.524/2.538 làng đạt và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” (đạt 60%).
Trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đến nay, cấp Thành phố có 24 thiết chế văn hóa thể thao thuộc quản lý của UBND Thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành đoàn thể trực thuộc Thành phố. Các thiết chế này đã và đang hoạt động có hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân Thủ đô. Ở cấp huyện, hiện có 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Tuy nhiên, có 29/30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, còn quận Nam Từ Liêm hiện chưa có Trung tâm Văn hóa, Thể thao do mới tách.
Ở cấp xã, có 150/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn (đạt 25,7%). 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã. Đối với các phường, việc xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao còn gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí được quỹ đất. Thực tế, các hoạt động của xã, phường, thị trấn chủ yếu sử dụng hội trường UBND cấp xã. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020 Thành phố chủ trương đầu tư, hoàn thiện hệ thống các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Có 236/584 thư viện cấp xã, phường (đạt 40,4%).
Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là thành phần không thể tách rời trong xây dựng NTM, trong thời gian tới, Hà Nội xác định tiếp tục tìm những cách làm thích hợp hơn, đẩy mạnh công tác xây dựng Làng văn hóa đáp ứng nhu cầu xây dựng NTM theo chủ trương của Nhà nước, Thành phố. Trong các mô hình văn hóa, chất lượng Làng văn hóa khá đảm bảo vì mô hình này phổ biến trong toàn quốc, sớm có quy trình đăng ký, kiểm tra, bình xét, công nhận chặt chẽ, ổn định và luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện. Phải coi phát triển Làng văn hóa là một giải pháp quan trọng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào, giúp giảm dần mọi khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Cùng với đó, thường xuyên quan tâm củng cố, hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, tổ chức các hoạt động của Nhà văn hóa - Thể thao thôn, tổ dân phố và tương đương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội vào việc nâng cấp các thiết chế văn hóa hiện có, xây dựng các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao... khi điều kiện và khả năng cho phép. Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quỹ đất ngày càng eo hẹp, nên trong quy hoạch của các địa phương cần phải ưu tiên giành địa điểm thuận tiện cho các sinh hoạt văn hóa - thể dục thể thao của cộng đồng với một diện tích thích hợp. Xây dựng được những mô hình cưới đạt các yêu cầu “Trang trọng - Vui tươi - Lành mạnh - Tiết kiệm” phù hợp phong tục, tập quán tại các vùng nội đô, ngoại thành; thích hợp với hoạt động của các đơn vị để vận động mọi người thực hiện. Xử lý các hiện tượng vi phạm bằng các hình thức thích hợp, tránh mọi sự can thiệp phản nhân văn.
Đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân tổ chức trang lễ đáp ứng tinh thần “Trang nghiêm - Tiết kiệm - Nghĩa tình”. Khuyến khích cán bộ, nhân dân thực hiện hình thức hỏa táng thay cho hình thức địa táng; dùng băng, đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc tang. Vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân tổ chức tang lễ tránh vào các giờ cao điểm gây cản trở giao thông, giảm thiểu vòng hoa viếng (đối với khu vực nội thành, cơ quan, doanh nghiệp...); không tổ chức ăn uống tràn lan (với khu vực ngoại thành). Quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp; hạn chế tối đa việc sử dụng đất canh tác và tiết kiệm diện tích đất. Hạn chế mở rộng các lễ hội, không mở các lễ hội chưa rõ nguồn gốc, thiếu cơ sở hình thành. Chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống và đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam thông qua hoạt động lễ hội,…
Theo Hoàng Anh/hanoi.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn