Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, thời gian qua, Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp luôn được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Qua đó, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
Kết quả bước đầu
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, qua gần 6 năm thực hiện (2011 - 2016), toàn tỉnh đã hình thành 627 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và cây trồng cạn với diện tích 25.737 ha, năng suất lúa đạt bình quân 75 - 80 tạ/ha, lợi nhuận trung bình 30 triệu đồng/ha (cao hơn các phương thức sản xuất ngoài mô hình 17 triệu đồng/ha). Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các chuỗi giá trị sản xuất và hình thành vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng VietGAP, với quy mô 13 ha tại HTXNN Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) và HTXNN Phước Hiệp (huyện Tuy Phước)...
|
Một hộ chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Nhơn Lộc. Ảnh: NGUYỄN HÂN |
Tỉnh cũng chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Trong đó, có mô hình liên kết giữa ngư dân với các doanh nghiệp Nhật Bản để khai thác, chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu.
Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tác động tích cực đến công cuộc XDNTM, góp phần hoàn thành nhiều chỉ tiêu trong 19 tiêu chí NTM; tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), cho biết: Là xã điểm XDNTM của tỉnh, những năm qua, địa phương luôn gắn chặt giữa việc XDNTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xã đã tín chấp cho người dân vay vốn phát triển chăn nuôi bò lai, nuôi vỗ béo bò, tráng bánh tráng, nấu rượu, đan lát... 2 HTXNN và tổ hợp tác sản xuất lúa giống ở thôn Đông Lâm của xã cũng thực hiện liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp, hàng năm cung ứng ra thị trường 1.500 tấn lúa giống các loại, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn xã là 21,5 triệu đồng/năm thì đến năm 2016 đã tăng lên 30 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), với đặc thù là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong quá trình XDNTM, xã đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa; tăng cường ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Trong các năm qua, nông dân địa phương đã liên kết sản xuất lúa giống với Công ty giống Thái Bình, diện tích sản xuất hàng năm 360 ha, mang lại lợi nhuận hơn 3 tỉ đồng/năm. Địa phương cũng đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào đầu tư các cơ sở may công nghiệp, thêu, đan, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ.
Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết: Qua thực hiện XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, KT-XH trên địa bàn xã phát triển khá, giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình gần 13%. Đến năm 2015, Phước Hưng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, là một trong bốn xã về đích NTM sớm nhất của huyện Tuy Phước. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của người dân thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân đầu người toàn xã gần 30 triệu đồng/năm, tăng gấp ba lần so với năm 2010.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội dẫn đầu, vừa làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2011- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo.
Qua giám sát tại 2 xã Nhơn Lộc, Phước Hưng và làm việc với UBND tỉnh, các thành viên trong đoàn cho rằng, dù Chương trình XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan, nhưng nhìn chung chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa đi vào chiều sâu và chưa bền vững. Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại một số địa phương còn chậm và gặp nhiều lúng túng.
Bên cạnh đó, khâu liên doanh, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn nên giá thành sản xuất còn cao, chưa tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường.
Ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020. Do vậy, tỉnh Bình Định cần tiếp tục rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Đây vừa là bước đi trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn nên cần phải thực hiện quy hoạch từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương từng bước lựa chọn sản phẩm chủ lực, tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, gắn với thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và của địa phương.
Cũng theo ông Thành, cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển theo từng loại ngành, từng lĩnh vực. Tỉnh cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ. Trong phát triển nông nghiệp, địa phương cần quan tâm thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục tiêu, cơ chế, chính sách, phương thức thực hiện... của Chương trình XDNTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo lợi thế của từng vùng; phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Theo Báo Bình Định