Bài 1: Không để nợ trong xây dựng cơ sở hạ tầng
Tính đến ngày 15-6, tỉnh Bình Dương đã có 32 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), có 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 8 xã đạt 12 - 14 tiêu chí. Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM của tỉnh Bình Dương đang được chính quyền và nhân dân nỗ lực hoàn thành. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, đích đến Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh không phải là thành tích mà chính là quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn không thua kém so với thành thị…
Không chạy theo hình thứcChương trình MTQG xây dựng NTM tại Bình Dương đã đạt được những thành tích hết sức ấn tượng. Tỷ lệ đường nông thôn được cứng hóa đạt 85,5%, nhựa hóa và bê tông hóa 1.892km đường trục xã liên xã. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã thực hiện 2.102 công trình giao thông nông thôn - chỉnh tranh đô thị với tổng chiều dài gần 1.250km, kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.
Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,91%, số xã đạt chuẩn y tế là 97,8%, 100 xã, phường có bác sĩ phục vụ; tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, 100% số ấp ở các xã đều sử dụng mạng lưới điện thoại cố định, điện thoại di động. Tổng số chợ trên địa bàn nông thôn là 34 chợ, trong đó có 14 chợ xây dựng theo phương thức xã hội hóa…
Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM Bình Dương cho biết, Bình Dương là tỉnh không có nguồn kinh phí từ Trung ương để xây dựng NTM. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và năng động của các địa phương, chính quyền các cấp, chương trình NTM của tỉnh được tiến hành một cách khoa học và hợp lý nhất.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Bình Dương phải có cách làm riêng của mình trong xây dựng NTM, nếu quá chú trọng hình thức, các tiêu chí công nhận NTM tỉnh hoàn toàn có thể hoàn thành chỉ trong vòng 1 - 2 năm. Tuy nhiên vấn đề mà tỉnh quan tâm chính là hậu NTM, người nông dân sẽ có cuộc sống tốt hơn từ chương trình đem lại. Chính vì thế trong xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, các hạng mục như y tế, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí… đều được cân nhắc và tính toán rất kỹ lưỡng trong khi khả năng nguồn tài chính của tỉnh nhà có phần hạn chế.
Tận dụng mọi nguồn lực tại chỗVới phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Chương trình MTQG xây dựng NTM của Bình Dương có những bước đi hết sức sáng tạo. Chẳng hạn, đối với xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn được lồng ghép và hưởng lợi từ chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa của Bình Dương. NTM tại Bình Dương được thừa hưởng thuận lợi từ hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông… trong quá trình chuyển mình từ tỉnh thuần nông thành thành phố công nghiệp.
Bà Hồ Thị Quang Ngọc, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM đã nổi lên nhiều địa phương có bước đi năng động sáng tạo như xã Thanh An, xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), xã An Sơn (Thuận An), xã Bạch Đằng (Tân Uyên), xã Tân Hiệp (Phú Giáo), xã Long Nguyên (Bàu Bàng)… Trên tinh thần vận dụng mọi nguồn lực tại chỗ. Điều đáng mừng nhất chính là sự chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống đã được các địa phương nghiêm chỉnh chấp hành.
Ông Võ Văn Chửng, Bí thư Đảng ủy xã An Thái (Phú Giáo) cho biết, là một xã nhiều khả năng hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2016, nhưng đối với một số tiêu chí về chợ và đường giao thông xã đã nhất định không chạy theo các tiêu chí không cần thiết. Bởi đây là địa phương giáp ranh với xã NTM Tân Hiệp nơi có chợ tương đối sầm uất, đường giao thông liên huyện, liên xã tương đối hài hòa nên việc xây dựng thêm chính là lãng phí. Chính vì thế, xã đã không chạy theo chỉ tiêu khô cứng mà tiếp tục xây dựng NTM bằng tình hình thực tế tại địa phương.
Xây dựng NTM tại Bình Dương là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân diễn ra hết sức bình lặng nhưng đều có chiến lược dài hơi và chất lượng. Điều đáng mừng nhất là hầu hết tại các địa phương đều linh hoạt huy động mọi nguồn lực tại chỗ, tận dụng cơ sở hạ tầng đã có làm nền móng cho công cuộc xây dựng NTM. Đã có đến hàng ngàn tỷ đồng đã được huy động từ doanh nghiệp và người dân đóng góp xây dựng các cơ sở về giao thông, y tế, trường học, nhà văn hóa… Dự tính trong giai đoạn 2016-2020, nguồn huy động từ doanh nghiệp sẽ đạt trên 1.145 tỷ đồng, nguồn từ cộng đồng dân cư là 1.500 tỷ đồng nhằm phục vụ cho chương trình xây dựng NTM trong thời điểm Bình Dương chính thức trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN, Phó ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh hồ hởi cho biết, chính vì quyết liệt không chạy theo hình thức, quyết tâm chú trọng đến chất lượng xây dựng NTM nên chương trình NTM của Bình Dương có những bước đi tuy chậm mà rất chắc. Điều mừng nhất chính là không có địa phương nào của tỉnh nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTM. Bình Dương đã có cách làm riêng rất hay, dù không nhận kinh phí từ Trung ương rót về. Quá trình xây dựng NTM của Bình Dương đang được tiến hành song song cùng sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà.
Theo PHÙNG HIẾU/baobinhduong.vn