Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh
trao quà cho các hộ gia đình neo đơn có hoàn cảnh khó khăn huyện Chư Pưh.
Mặc dù, thời gian qua các địa phương trên địa bàn huyện Ia Pa đã có nhiều nỗ lực tập trung giải quyết nhu cầu nhà ở dân cư cho nhân dân thông qua nguồn vốn của các chương trình, dự án như: Hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 135 sửa chữa nhà cho đối tượng đặc biệt khó khăn; xây dựng nhà theo nguồn vốn di dân…
Tuy nhiên, do địa phương có xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đa, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, giá trị sản phẩm hàng hóa ít, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao nên nhiều hộ dân vẫn ở trong tình trạng tạm bợ, dột nát hoặc chưa đạt chuẩn.
Ông Lữ Phúc Phong, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Pa cho biết: Là địa phương vùng sâu, vùng xa với hơn 70% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Ia Pa có xuất phát điểm thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo khá cao chiếm trên 34%.
“Khó khăn về nhà ở dân cư đã gây nhiều trở ngại trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ia Pa. Để khắc phục khó khăn này, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội, việc vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập, có tích lũy để xây dựng nhà ở ổn định, đạt chuẩn sẽ giúp địa phương sớm hoàn thành lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Phong cho biết thêm.
Tại một số thôn, làng, rào cản mà chính quyền và nhân dân gặp phải lại không nằm ở chuyện xóa nhà tạm bợ, dột nát mà vướng ở chuẩn của Bộ Xây dựng. Hầu hết nhà cấp 4 trên địa bàn đều được xây dựng khá lâu và đã xuống cấp. Các hộ này chủ yếu thuộc diện neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có điều kiện để tu sửa.
Một số trường hợp, người dân đã xây dựng được nhà kiên cố, đảm bảo “ba cứng”, song xét về diện tích và khuôn viên công trình phụ trợ đều không đạt. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, toàn huyện Ia Pa vẫn chưa có một xã nào đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.
Xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa là địa phương được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, song đến thời điểm này toàn xã vẫn còn trên 100 hộ gia đình ở trong các nhà tạm bợ, dột nát.
Ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền địa phương đã xác định mục tiêu đạt chuẩn nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí khó, đặc biệt để cán đích tiêu chí này phải đồng thời thực hiện đạt các tiêu chí về cơ cấu lao động, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nhân dân…
Theo ông Nguyễn Thành Nuôi, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Gia Lai, xóa nhà tạm, dột nát là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, MTTQ tỉnh đã tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, hộ chính sách tiếp cận đầy đủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của nhà nước nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Điển hình như cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, toàn tỉnh đã huy động được trên 53 tỷ đồng, xây mới gần 3000 căn nhà “Đại đoàn kết”, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn Quỹ vận động được, Uỷ ban MTTQ các cấp đã tập trung chủ yếu cho mục tiêu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo theo chủ trương chung của tỉnh. Qua đó, cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” những năm qua đã mở ra một nội dung hoạt động mới của Mặt trận theo hướng cụ thể, thiết thực và hiệu quả, được xã hội và nhân dân đồng tình hưởng ứng, đã khơi dậy lòng nhân ái và truyền thống đoàn kết của các tầng lớp nhân dân tạo ra phong trào giúp đỡ người nghèo một cách rộng rãi trong toàn xã hội.
Theo: Phạm Hưởng/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn