Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn đã tạo được sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch và lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, đặt ra cho huyện Kim Sơn nhiều thách thức mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cách thức, giải pháp thực hiện.
Chọn ưu thế để đầu tưSau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt vùng nông thôn huyện Kim Sơn đã có những thay đổi cơ bản. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, chuyển đổi cơ cấu sản xuất… được quan tâm đầu tư hỗ trợ; văn hóa xã hội được bảo tồn và phát huy, thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững...
Đến nay, huyện đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đạt 11,08 tiêu chí/xã, tăng 6,64 tiêu chí/xã so với năm 2011.
Để đạt kết quả đó, huyện Kim Sơn đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu tiên chọn những tiêu chí mà huyện có ưu thế để đầu tư làm điểm, tạo động lực khuyến khích các tầng lớp nhân dân cùng chung sức thực hiện các tiêu chí tiếp theo.
Với lợi thế trong phát triển nông nghiệp (bao gồm sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ), Kim Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính chất bền vững.
Lồng ghép, phối kết hợp thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn như: Đề án đào tạo nghề; các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; đề án hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất cây dược liệu; đề án xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa; các dự án khuyến nông; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại có hiệu quả...
Do đó, sản xuất phát triển, năng suất lúa luôn đứng đầu toàn tỉnh, sản lượng thủy sản chiếm trên 50% sản lượng của tỉnh. Kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ.
Huyện có hàng trăm mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất 2 lúa kém hiệu quả, nuôi rắn, nuôi cua đồng, trồng cây đinh lăng tại xã Thượng Kiệm; Mô hình trang trại tổng hợp tại xã Văn Hải; Mô hình cải tạo thùng đào, thùng đấu để chăn nuôi vịt, nuôi lợn, gà tại xã Cồn Thoi. Nhìn chung các mô hình cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 10 đến 20 lần.
Nhiều gia đình đã phát triển từ mô hình chăn nuôi nông hộ lên doanh nghiệp tư nhân nuôi hàng trăm lợn nái, hàng nghìn lợn thịt, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Cùng với phát triển sản xuất, huyện Kim Sơn cũng đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm, tích cực hiến đất, đóng góp sức người, sức của.
Toàn huyện đã có 7.552 hộ dân hiến 545.700 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi; nhiều hộ dân đã hiến 628.851 m2 đất để thực hiện dồn điền, đổi thửa, làm mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng.
Tổng vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân và từ nguồn khác để xây dựng nông thôn mới đạt trên 860 tỷ đồng.
Nhờ sự hiến đất của nhân dân và nguồn vốn huy động được, nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa được cải tạo, xây mới, bộ mặt nông thôn ở Kim Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh.
Giải pháp để đạt được lộ trình
Theo ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian tới và định hướng đến năm 2020, Kim Sơn đang chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị và nhân dân huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch và lộ trình đã đề ra.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng các cấp về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác lãnh đạo toàn diện tất cả các lĩnh vực.
Tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 1111/QĐ-UBND ngày 26-12-2014 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Trong đó với đặc thù riêng, huyện Kim Sơn tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, chọn khâu đột phá là tăng tỷ trọng ngành thủy sản. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết với doanh nghiệp.
Tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác trong sản xuất hàng hóa, đảm bảo mối liên kết bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Triển khai tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các loại hình hợp tác xã, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Phát triển mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.
Triển khai thực hiện khu chăn nuôi tập trung xa dân cư theo quy hoạch nông thôn mới của các xã đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường cho hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư vùng kinh tế biển tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án; quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng hiệu quả.
Cùng với phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Kim Sơn quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ nét trong các hoạt động văn hóa - xã hội, xây dựng các quy ước, hương ước trong tất cả các xã, có giải pháp tăng cường thiết chế văn hóa, nhất là ở cấp thôn.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; thực hiện phong trào xây dựng làng, xã, gia đình văn hóa, quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh môi trường nông thôn; cơ bản hoàn thành việc di dời chuồng trại ra xa nhà, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình vệ sinh gia đình, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn hoá mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới biển.
Theo: baoninhbinh.org.vn