Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU (Chương trình 02) của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", đến nay huyện Mỹ Đức mới có 8/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mới đây, làm việc với địa phương, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy đã gợi mở nhiều cách làm hay cho huyện trong công tác này.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Đến nay, huyện Mỹ Đức đã chuyển đổi được 1.647ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, đồng thời, xây dựng 2 mô hình điểm 5ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại xã An Mỹ và khu trồng cây ăn quả tập trung 20ha ở xã Đại Hưng. Nhờ lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ, đời sống người dân huyện Mỹ Đức cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt gần 34 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, huyện Mỹ Đức còn tổ chức liên kết với doanh nghiệp trồng cây dược liệu ở xã Mỹ Thành với diện tích 15ha; triển khai thành công mô hình cơ giới hóa đồng bộ trồng, chăm sóc, thu hoạch cây khoai tây vụ xuân 39,5ha ở xã An Mỹ; sản xuất lúa giống ở xã Mỹ Thành và An Mỹ; quy hoạch vùng trồng rau tập trung tại xã Bột Xuyên, Phúc Lâm, Lê Thanh, rộng 122ha; khu nuôi trồng thủy sản tại xã Hợp Thanh 112ha.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn thành phố, huyện Mỹ Đức vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế, xã hội ở một số địa phương thiếu thốn và bất cập. Ở nhiều xã, công trình nhà văn hóa, chợ, trường học, giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nguyễn Thị Thu Hằng, địa phương đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017, tuy nhiên hiện còn 3 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí trường học. Một số chỉ tiêu như nước sạch, thu nhập bình quân đầu người, giá trị thu nhập bình quân/1ha canh tác… của xã đạt thấp so với mặt bằng chung các huyện ngoại thành.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh gợi mở: Sở Khoa học và Công nghệ sẵn sàng giúp đỡ huyện Mỹ Đức xây dựng thương hiệu sản phẩm ở 7 làng nghề để nâng cao chuỗi giá trị; đồng thời hỗ trợ kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp và kinh phí nghiên cứu khoa học để đưa giống cây trồng vật nuôi, vật tư vào sản xuất nông nghiệp.
Tương tự, ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội gợi ý, huyện Mỹ Đức nên phát huy lợi thế của địa phương để phát triển du lịch. Bởi hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Mỹ Đức vẫn theo mùa vụ, nên cần phải tính toán một cách căn cơ để thu hút du khách đến tham quan quanh năm. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Mỹ Đức có một số sản phẩm đặc hữu như: Rau sắng, mơ Hương Tích, nghề trồng dâu nuôi tằm… cũng là lợi thế, cần được khai thác, phát triển bài bản...
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có huyện Mỹ Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã yêu cầu sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, sớm giải quyết những tồn tại, hạn chế, khắc phục khó khăn để huyện Mỹ Đức đạt thành tích cao hơn trong xây dựng nông thôn mới.
Theo: Minh Phú/hanoimoi.com.vn