Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện Quảng Xương còn thấp, trung bình tiêu chí toàn huyện đạt 6,13 tiêu chí/xã. Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình năm 2010, công tác tuyên truyền đã được cấp ủy, chính quyền huyện lên kế hoạch từng năm và triển khai toàn diện với nội dung đa dạng, phong phú, dưới nhiều hình thức.
Mô hình nuôi gà lấy trứng của một gia trại tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa |
Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện, các tổ chức đoàn thể đã xây dựng chương trình hành động theo các lĩnh vực được phân công phụ trách, vận động hội viên chung tay xây dựng NTM thông qua các mô hình. Chẳng hạn như Hội Phụ nữ có mô hình “Trồng hoa, cây cảnh thay cỏ dại ven đường”; Hội Cựu chiến binh triển khai mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn”; Hội nông dân có phong trào “Thu gom, xử lý vỏ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm”; Hội Thanh niên triển khai các hoạt động “Môi trường không rác thải tại một số công trình công cộng “dòng sông, bờ biển, di tích”; Liên đoàn Lao động huyện là phong trào “Xanh, sạch, đẹp khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học”; MTTQ là mô hình “Cùng chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã từng bước hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ chế, chính sách của tỉnh về xây dựng NTM. Nhân dân đã thấm nhuần chủ trương: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng thụ, người dân là chủ thể.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ
Trên cơ sở các quyết định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và tình hình thực tế trên địa bàn, huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân được chuyển đổi, tích tụ ruộng đất tạo thành cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân du nhập các mô hình sản xuất mới; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà ở, xây dựng công trình phụ, hỗ trợ các hộ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho chương trình cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp...
Bên cạnh đó, để động viên, khuyến khích tinh thần cũng như tạo không khí thi đua xây dựng NTM, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết hỗ trợ cho các xã về đích NTM năm 2013, 2014 với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/xã, các xã về đích năm 2015, 2016 là 250 triệu đồng/xã... Các cơ chế hỗ trợ được triển khai thực hiện đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích, kích cầu cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư là 3.155,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) là 1.123,1 tỷ đồng; huy động từ nhân dân 999,32 tỷ đồng (đóng góp trực tiếp, ngày công lao động, hiến đất…); vốn lồng ghép 107,91 tỷ đồng; tín dụng 250,22 tỷ đồng; doanh nghiệp 376,44 tỷ đồng; nguồn khác 298,41 tỷ đồng.
Từ năm 2011 đến tháng 10.2017, toàn huyện Quảng Xương đã xây dựng được 230km đường giao thông, mở rộng 24,1km đường huyện và 127,7km đường bê tông các xã, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 22 công trình trụ sở làm việc các xã, 23 công trình trạm y tế, nhà điều trị bệnh viện đa khoa huyện; 13 công trình chợ, 42 nhà văn hóa. Kiên cố hóa được 43 công trình trường học; xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình điện, các công trình cấp nước sinh hoạt tại 10 xã.
Toàn huyện có 24/29 xã đã đạt danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Huyện đã hoàn thành 7/9 tiêu chí xây dựng NTM cấp huyện. Còn lại 2 tiêu chí đang thẩm định, bao gồm: Nội dung về giáo dục trong tiêu chí Văn hóa - Y tế - Giáo dục và Tiêu chí môi trường.
Phát triển sản xuất phải là cốt lõi
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân là một trong những nội dung được Quảng Xương xác định là chủ yếu, quan trọng nhất của Chương trình xây dựng NTM, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài của chương trình, nhưng cũng là nội dung khó nhất. Do đó, huyện Quảng Xương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Huyện tập trung chỉ đạo quy hoạch và phát triển vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích trên 6.000ha, năng suất lúa bình quân tăng từ 60 tạ/ha năm 2010 lên 65 tạ/ha năm 2016; thực hiện tốt công tác đổi điền, dồn thửa; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị cao như thuốc lào, ớt xuất khẩu, cây cói...
Ngành chăn nuôi được tập trung chỉ đạo theo hướng chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang mô hình trang trại, gia trại và sản xuất hàng hóa. Nâng cao hiệu quả diện tích nuôi trồng nước mặn, lợ; khai thác, mở rộng diện tích nuôi thả nước ngọt lên 1.317ha. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển ngành nghề chế biến phân phối hải sản. Khuyến khích, hỗ trợ nhân dân đóng mới tàu có công suất lớn...
Bên cạnh đó huyện tích cực phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cấp kết cấu hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cũng như cải thiện đời sống của người lao động nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,6 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010.
Với những thành tựu đã đạt được trong xây dựng NTM, đến nay huyện Quảng Xương đã cơ bản hoàn thành Chương trình quốc gia về xây dựng NTM. Kết quả trên đã thể hiện những nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xây dựng NTM.
Quảng Đức (Quảng Xương): Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tháng 4.2016, xã Quảng Đức đã tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2015. Là xã có xuất phát điểm thấp, ngay sau khi có chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quảng Đức đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện của xã để nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí. Xã đã huy động hơn 170 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất và phúc lợi của nhân dân, Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng mùa vụ để nâng cao giá trị sản xuát và thu nhập cho người dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng 1 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,5% năm 2010 xuống còn 4,9%. Chương trình mục tiêu xây dựng NTM được xã Quảng Giao thực hiện đồng bộ ở các cấp, các ngành từ xã xuống thôn để nhân dân thấy được vai trò chủ thể của mình và tích cực tham gia xây dựng NTM. Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình xã Quảng Giao với các giải pháp đồng bộ đã thực sự làm thay đổi toàn diện tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, cơ sở hạ tầng nông thôn tương đối hoàn thiện, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt. Bình quân các tiêu chí đạt 93%. Nhờ thực hiện tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp phát triển sản xuất, dịch vụ, ngành nghề tạo việc làm đã nâng cao thu nhập, tích lũy của người dân. Mức thu nhập bình quân chung trong năm 2016 của xã đạt 29 triệu đồng/người. Ước thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 32 triệu đồng/người. Xã Quảng Ninh (Quảng Xương): Nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân Năm 2011 khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quảng Ninh đã thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để hoàn thành các tiêu chí. Xã đã huy động hơn 113 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh doanh, dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng mùa vụ, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Hải Vân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn