Các tuyến đường nông thôn Thạch Thành đang được bê tông hóa từ nguồn đầu tư của nhân dân Nông thôn khởi sắc Là một huyện miền núi thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, Thạch Thành có 28 xã, thị trấn, 3 dân tộc: Mường, Thái, Kinh. Trong đó có 12 xã có đồng bào công giáo với 1.432 hộ đồng bào giáo dân, hơn 6.000 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 49% tổng số trong toàn huyện, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào quỹ đất nông nghiệp. Những cuộc vận động thiết thực do UBMTTQ phát động như CVĐ "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” lồng ghép với CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đem lại hiệu ứng tích cực từ phía bà con nông dân. Với cuộc vận động này, MTTQ huyện xác định 3 việc cần tập trung chỉ đạo, đó là: Vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, bảo vệ môi trường và tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng văn hóa nông thôn mới (NTM). Để nhận được sự đồng thuận hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải kể đến sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, sự cố gắng nỗ lực của MTTQ và các ban ngành, đoàn thể cùng cộng đồng dân cư, đồng thời Mặt trận các cấp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làm cho dân hiểu được ý nghĩa, mục đích, nội dung và những lợi ích mà bà con nông dân được hưởng thụ, đồng thời công khai các nội dung xây dựng NTM theo phương châm "Dân chủ công khai” và dân được biết, được bàn, được kiểm tra. Chính vì vậy, trong những năm qua, đặc biệt những tháng đầu năm 2012 phong trào thi đua "chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn huyện Thạch Thành diễn ra sôi động, nhân dân đã tự nguyện góp của, góp công, không ngần ngại khi hiến hàng nghìn mét đất để xây dựng các công trình phục vụ NTM, tiêu biểu như các xã: Thành Minh; Thạch Tân; Thành Trực; Thành Tâm… với tổng diện tích đất lên đến 23.000m2 để làm đường giao thông nông thôn. Tại xã miền núi thuộc vùng bán sơn địa Thành Trực, có 48,7% dân tộc Mường, với quỹ đất ít ỏi lại chủ yếu là đất nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, UBMTTQ xã đã vận động được 76 hộ hiến hơn 4.000m2 đất để mở đường giao thông, giải tỏa cây lưu niên có giá trị kinh tế cao như mít, nhãn lồng… mà không đòi hỏi phải đền bù; đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng với số tiền lên đến 1,57 tỷ đồng. Tiêu biểu có thể nói đến các hộ như gia đình ông Nguyễn Tăng Thiệu, thôn Thủ Chính, ông Quách Công Tâm, bà Trương Thị Bột, ông Quách Công Tiến, thôn Vọng Thủy (tất cả những hộ này đều là dân tộc Mường)… Ông Lê Văn Tuyên - Chủ tịch MTTQ xã tâm sự: "Phải khẳng định, cuộc vận động "Cả nước chung tay xây dựng NTM” thật sự đem lại hiệu quả cao cho bà con, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số. Tại xã tôi, đường sá được mở rộng từ 2m lên 8m chính là nhờ bà con hiến đất, qua đó hàng hóa được lưu thông rất thuận tiện cho bà con làm ăn, nhất là xã Thành Trực là vùng mía tím (mía tiến vua-cũng là đặc sản của vùng này) cây kinh tế chủ lực, đây là cơ hội để địa phương xóa đói giảm nghèo nhanh”. Còn nhiều chông gai… Nói về thành quả cũng như những đóng góp của UBMTTQ huyện trong thời gian qua, ông Lê Văn Trinh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để có được những kết quả trên phải nói đến những cuộc vận động hết sức có ý nghĩa do UBMTTQ phát động, tạo nên một hiệu ứng tích cực trong tư tưởng các tầng lớp nhân dân. Chính từ những hiệu ứng đó mà cán bộ, nhân dân trong toàn huyện đã chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch MTTQ huyện băn khoăn, do đặc thù là huyện miền núi bán sơn địa, với 3 dân tộc là Mường, Thái, Kinh trong đó 48,7% là dân tộc Mường, với 1.432 hộ giáo dân/12 xã, trình độ dân trí chưa đồng đều do vậy công tác xóa đói, giảm nghèo đang đứng trước những khó khăn thách thức, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao nhất là trong điều kiện có thiên tai, bão lũ xảy ra, khả năng tự ứng cứu phục hồi tại chỗ còn hạn chế…Bà Thảo cho rằng, để khắc phục được điều đó, cần phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành từ huyện đến xã. Trước mắt, MTTQ huyện sẽ tập trung thực hiện tốt nội dung đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định, phát triển xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, bên cạnh đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… "Để làm tốt được những điều đó, với vai trò của mình, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động và cổ vũ nhân dân làm tốt hơn cuộc vận động " Chung sức xây dựng NTM” gắn kết với các CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và " Ngày vì người nghèo” thật sự là của dân, vì dân”, bà Thảo khẳng định Thanh Huyền |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn