Hệ thống trạm bơm tập trung đã và đang phát huy hiệu quả tại xã Thuận Hưng.
Gần 5 năm qua, Thuận Hưng đã tiến hành xây dựng hệ thống đê bao khép kín cho hơn 1.135/2.088,5ha đất sản xuất nông nghiệp của toàn xã; đồng thời, nâng cấp và xây dựng mới được nhiều trạm bơm nước tập trung. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX bơm nước Thuận Lợi, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, cho biết: “Ngày trước, khu vực này cũng có trạm bơm nhưng quy mô nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Thế nhưng, đến năm 2013, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đã đầu tư 1,5 tỉ đồng để xây dựng cống, trang thiết bị nhằm mở rộng quy mô trong khuôn bơm từ vài héc-ta ban đầu nay nâng lên 260ha”.
Đến thời điểm này, toàn xã Thuận Hưng có 9 trạm bơm nước tập trung, trong đó có 5 trạm bơm điện do Nhà nước đầu tư và giao cho HTX Thuận Lợi quản lý, còn lại 4 trạm bơm dầu do người dân tự bỏ tiền ra xây dựng. Với 9 trạm bơm này, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho 1.700ha trong tổng số 1.800ha đất lúa trên địa bàn toàn xã. Hiện các trạm bơm đang hoạt động tốt và nhận được sự đồng tình cao của người dân.
Ông Nguyễn Văn Liêm, có 8 công ruộng nằm trong hệ thống trạm bơm tập trung ở ấp 8, vui mừng chia sẻ: “Từ khi Nhà nước đầu tư trạm bơm điện kiên cố, bà con nơi đây phấn khởi hẳn ra. Bởi, không còn phải lo lắng cảnh chạy ngược, chạy xuôi để vận động từng hộ bơm nước gieo sạ vào đầu mỗi vụ sản xuất”. Cùng tâm trạng trên, anh Phạm Văn Thắng, có ruộng nằm trong khuôn bơm ở ấp 10, bộc bạch: “Ngày trước, mỗi khi tới mùa bơm nước là tôi thấy ngán, vì phải thức trực canh máy ngoài ruộng 5-7 đêm liền, còn bây giờ thì khỏe hơn rất nhiều. Mọi khâu đều do trạm bơm thực hiện, tới ngày chỉ cần đánh đường nước là có thể đem giống ra sạ, không phải lo chuyện nước tràn bờ, xì mọi. Và cũng nhờ có trạm bơm mà gia đình tôi cùng với bà con nơi đây xuống giống đúng lịch thời vụ và đồng loạt nên né được sâu, rầy”.
Việc xây dựng các trạm bơm tập thể không chỉ đáp ứng yêu cầu gieo sạ đúng lịch thời vụ như khuyến cáo của ngành nông nghiệp mà còn góp phần giúp người dân nhẹ công bơm tác, giảm chi phí đầu tư. Theo tính toán của nông dân, nếu bơm bình thường, một công đến ngày thu hoạch phải tốn ít nhất 100.000 đồng tiền mua xăng, dầu (chưa tính tiền công); còn nằm trong trạm bơm chỉ mất 65.000 đồng mà lại khỏe rất nhiều. Bên cạnh việc giảm chi phí trong khâu bơm tưới, những nông dân có ruộng nằm trong khuôn bơm còn hưởng được nhiều lợi ích khác như: nhờ chủ động được nguồn nước nên tình hình cỏ dại rất ít, do sạ đồng loạt và cùng một loại giống nên rất dễ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, từ đó, năng suất lúa cũng không ngừng được nâng lên, bình quân đạt từ 900-1 tấn/công, tăng khoảng 200kg so với lúc chưa có trạm bơm. Song song đó, việc thu hoạch và bán lúa cũng thuận tiện hơn, bởi tất cả diện tích lúa đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trong cả 3 vụ sản xuất...
Với việc chọn đột phá từ mô hình kiên cố hóa kênh, mương gắn với đầu tư những trạm bơm tập trung đã giúp Thuận Hưng có nhiều bước tiến trong quá trình xây dựng NTM, nhất là sớm hoàn thành các tiêu chí NTM theo lộ trình đề ra. Bởi, đầu tư cho tiêu chí thủy lợi không chỉ giúp xã đạt tiêu chí này mà còn kéo theo nhiều tiêu chí khác như: thu nhập, hộ nghèo, giao thông, y tế,… do sản xuất được mùa, chi phí giảm nên đời sống của người dân được nâng lên. Từ những kết quả trên, hiện Thuận Hưng đang được các ngành chức năng của tỉnh đánh giá là một trong những địa phương có mô hình trạm bơm tập trung hoạt động hiệu quả nhất và cần nhân rộng ở các địa phương khác.
Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, ông Huỳnh Thanh Pháo, khẳng định: Nhờ phát triển được hệ thống các trạm bơm mà tình hình sản xuất nông nghiệp của xã ngày càng hiệu quả, nhất là khâu tiêu thoát nước được chủ động, hạ được giá thành sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, phòng chống dịch bệnh, tăng năng suất, góp phần hình thành và phát triển những loại hình kinh tế hợp tác ở địa phương. Hướng tới, ngoài việc duy trì tốt hoạt động của 5 trạm bơm điện do Nhà nước đầu tư, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động 4 trạm bơm dầu còn lại nâng cấp từ hệ thống bơm dầu lên bơm điện nhằm giảm chi phí, hạ giá thành cho người dân”.
Đến nay, xã Thuận Hưng đã được các sở, ngành có liên quan của tỉnh công nhận đạt 16/19 tiêu chí. Hiện 3 tiêu chí còn lại là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường đang được địa phương khẩn trương thực hiện, cố gắng đến cuối tháng 6 tới sẽ hoàn thành 3 tiêu chí này để ra mắt xã NTM thứ 2 của huyện. |
Theo: tintucmientay.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn