Mô hình trồng bạch đàn giống ở thị trấn Phước Long được nhiều hộ dân áp dụng để thoát nghèo. |
Bắt đất trũng thành cánh đồng 100 triệu
Đánh giá những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội ở huyện Phước Long trong nhiều năm qua, phần lớn người ta chỉ mới tổng kết, phân tích ở khâu huy động nguồn lực, thực hiện các giải pháp đồng bộ, khơi dậy sự chung sức chung lòng của người dân trong xây dựng các công trình. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa thấy được tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa - vốn là sức mạnh nền tảng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó chính là văn hóa nghị quyết. Bởi phần lớn những nghị quyết do Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Phước Long ban hành đều thực hiện thắng lợi. Trong đó, có những nghị quyết thực hiện thành công hơn cả sự mong đợi và trở thành những bài học, mô hình điểm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh học tập, nhân rộng. Điều đáng ghi nhận ở Đảng bộ huyện Phước Long là đi cùng với những nghị quyết là các chỉ thị, đề án để cụ thể hóa nghị quyết bằng những công trình, phần việc rất thiết thực. Điển hình như để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo và nghị quyết của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu sản xuất…, bên cạnh việc ban hành các nghị quyết chuyên đề để thực hiện các nghị quyết này, BCH Đảng bộ huyện còn kèm theo chỉ thị, đề án cho từng lĩnh vực cụ thể như: Đề án cải tạo vườn tạp; Chỉ thị phát triển vườn rau gia đình; Chỉ thị phát động phong trào cán bộ, đảng viên tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; Chỉ thị phát động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM)… Những nghị quyết, chỉ thị ấy đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, trở thành nền tảng văn hóa tinh thần, có sức lan tỏa sâu rộng để mọi người tích cực tham gia.
Đơn cử như việc Huyện ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/HU về chỉ đạo cải tạo vườn tạp. Từ đề án này, nhiều người dân thoát nghèo và có điều kiện làm giàu ngay trên mảnh đất đã bị bỏ hoang hàng chục năm qua. Chỉ hơn 2 năm thực hiện đề án, đã có trên 5.000ha đất vườn tạp, đất bỏ hoang, đất lung trũng trở thành những ruộng lúa, vườn rau, ao cá cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lê Văn Cảnh (ấp Tường 4, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) cho biết: “Trước khi thực hiện phong trào nông dân cải tạo vườn tạp, ở ấp này nhiều hộ nghèo lắm. Phần lớn là đất vườn, cây cối mọc um tùm; nhiều khu vực bị lung trũng, có nơi nước ngập sâu hơn đầu gối nên nông dân bỏ hoang. Sau khi phát động phong trào nông dân cải tạo vườn tạp, do thấy được hiệu quả kinh tế nên ngày càng có nhiều nông dân hưởng ứng. Người thì cải tạo đất để trồng rẫy, còn người thì trồng lúa, lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng/ha/năm”. Riêng gia đình ông Cảnh, với mô hình trồng màu, mỗi vụ cũng thu lãi khoảng 12 triệu đồng/2 công. Nếu tính cả năm cũng thu lãi trên 70 triệu đồng. Hiện nay, ông Cảnh đang áp dụng mô hình trồng dưa hấu trên giàn ngay trên mảnh đất lung trũng bị bỏ hoang ngày xưa.
Ông Lê Văn Cảnh với mô hình trồng dưa hấu trên giàn (ở vùng đất lung trũng). Ảnh: K.T. |
Đưa chỉ thị vào… từng hộ dân
Không chỉ có đề án cải tạo vườn tạp, nhiều chỉ thị khác đã giúp người dân tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng đất. Như Chỉ thị số 06 của Huyện ủy Phước Long về việc phát triển vườn rau gia đình. Mục đích ban đầu của chỉ thị là vận động các hộ nghèo tận dụng diện tích đất trống nhằm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn trong gia đình. Chỉ cần một mảnh đất nhỏ trước sân nhà hoặc sau vườn, mỗi gia đình cũng có thể tự trồng rau để ăn. Rồi từ việc một số hộ trồng nhiều, ăn không hết, nên lại nghĩ đến chuyện bán bớt cho các hộ lân cận hay đem bán ở chợ. Vậy là mô hình phát triển vườn rau gia đình cũng hình thành nên mô hình sản xuất rau hàng hóa để bán ở chợ.
Nếu trồng rau mang lại hiệu quả thiết thực như thế, thì tại sao lại không thả nuôi cá ở những ao bị bỏ trống lâu nay? Và từ đó, một chỉ thị của Huyện ủy về vườn rau đã được phát triển thêm ao cá; rồi theo đó là mô hình trồng cây bạch đàn giống cho lợi nhuận hàng chục triệu đồng/vụ (vì áp dụng mô hình này chỉ cần vài chục mét vuông đất).
Lý giải vì sao so với các huyện, thành phố khác của tỉnh, việc thực hiện nghị quyết ở huyện Phước Long luôn mang lại kết quả cao, ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy, cho rằng: “Trước khi triển khai nghị quyết xuống dân, phải xem đâu là vấn đề bức xúc nhất của người dân để ưu tiên tập trung làm trước. Đồng thời phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Theo sau các nghị quyết là chỉ thị, đề án hay các nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa nghị quyết, nhưng phải ngắn gọn, dễ hiểu và tuyên truyền cho dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa. Khi thực hiện nghị quyết chỉ lấy tinh thần chung của nghị quyết, chứ không áp đặt theo hình thức rập khuôn. Tùy theo điều kiện đặc thù của từng địa phương, tập quán sinh hoạt của người dân mà bổ sung, hoàn thiện các giải pháp. Như việc thực hiện nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, huyện cũng ban hành nhiều chỉ thị, đề án, quyết định riêng cho từng vùng sản xuất. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và khai thác có hiệu quả nguồn lực, tài nguyên…”.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân cơ bản để Phước Long trở thành 1 trong 5 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo về XDNTM là do đã có nhiều cách làm sáng tạo và hội đủ các điều kiện cần thiết. Những thành tựu đó đều bắt nguồn từ việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, đề án mà huyện Phước Long đã và đang tập trung thực hiện. Đó là những tiền đề quan trọng cho huyện Phước Long tiếp tục thực hiện thành công các tiêu chí về XDNTM.
Nguồn: Báo Bạc Liêu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn