Đường về một xã nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang. |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đến hết năm 2019, toàn khu vực miền núi phía Bắc có 28% tổng số xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được thành tích ấy, các địa phương trong vùng đã vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là có nhiều giải pháp, sáng kiến, phù hợp với thực tiễn. Trước hết, đó là sự đổi mới tư duy trong chỉ đạo, điều hành; vận động người dân chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung. Tạo được sự đồng thuận của người dân thì những khó khăn, vướng mắc sẽ dần được tháo gỡ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc triển khai xây dựng NTM, thay đổi đời sống của người dân ở khu vực này gặp vô vàn khó khăn do địa hình hiểm trở, chia cắt. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều địa phương đã chủ động triển khai xây dựng mô hình thôn, bản NTM, thay vì làm ở cấp xã, vốn có địa bàn trải rộng.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 10 năm triển khai, công tác chỉ đạo xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền địa phương đã thay đổi tích cực. Trước đây chủ yếu tập trung chỉ đạo đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thì gần đây đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân (như phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, bảo vệ và cải tạo cảnh quản môi trường, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển du lịch nông thôn…). Một số địa phương đã sớm chủ động phê duyệt và triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Sơn La, Hòa Bình…), Đề án triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm -OCOP (Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang…). Đáng chú ý, một số địa phương đã sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM cấp thôn, bản như Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên… Đây thực sự là cách làm mới từ cơ sở, để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn vùng.
Có thể nêu ví dụ: Đối với 3 tỉnh nhiều khó khăn là Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn đã có chủ trương xây dựng NTM đối với từng địa phươg đặc thù, ở những địa bàn khó khăn… từ đó đã chủ động ban hành kế hoạch và chỉ đạo các huyện, xã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án (chương trình giảm nghèo bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới…) để giúp các xã trong vùng đề án sớm hoàn thành các tiêu chí NTM. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính việc đổi mới trong công tác chỉ đạo đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng NTM của khu vực này, nhất là từ năm 2017 đến nay.
Kết quả thu được là toàn vùng không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí, tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015 (tuy rằng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã). Thời gian tới, khu vực này còn phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, vì rằng trong toàn vùng tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhất cả nước với 17%, trong khi hộ nghèo ở khu vực nông thôn cả nước nói chung là 8%; thu nhập bình quân chỉ đạt 28 triệu đồng/người/năm trong khi bình quân cả nước là 37 triệu.
Làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hòa Bình. |
Hội quán - một cách làm hay
Tương tự miền núi phía Bắc, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số địa phương Đông Nam Bộ cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, bằng những cách làm hay, khu vực này đã thu được thành công rất khích lệ.
Tính đến hết tháng 7/2019, vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ đã có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn NTM (xấp xỉ tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 50,8%). Nếu như Đông Nam Bộ thuận lợi hơn thì ĐBSCL, nhất là ở những địa bàn vùng sâu vùng xa thì việc xây dựng NTM không hề dễ dàng. Tuy nhiên, tới nay tại ĐBSCL đã có tới 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.
Những kết quả này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ĐBSCL là khoảng 36,7 triệu đồng.
Có thể nêu một ví dụ tiêu biểu, đó là tỉnh Đồng Tháp. Đây là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay Đồng Tháp có trên 50% số xã đã đạt chuẩn NTM, kể cả huyện NTM. Nói như ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp thì tinh thần người dân là chủ thể trong xây dựng NTM không phải ở chỗ dân góp bao nhiêu tiền và đất, mà là người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình hội quán. “Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm”- ông Lê Minh Hoan nói.
Mô hình hội quán trên thực tế là cách làm hay ở ĐBSCL. Hội quán là nơi bà con gặp mặt nhau và hợp tác trong làm ăn; giúp nông dân liên kết mua chung, bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn… Tại tỉnh Đồng Tháp, có tới gần 100 hội quán và 20 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này.
Hiện mô hình hội quán đang được nhân rộng tại ĐBSCL, chắc chắn sẽ đem lại kết quả cao hơn nữa trong việc xây dựng NTM.
Theo Phạm Việt Khương/mattran.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn