Một số xã đã đạt kết quả trong việc tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp không ít khó khăn, như: kinh phí thực hiện, đất nông nghiệp còn manh mún, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ...
Với ông Nguyễn Văn Đông và nhiều bà con xã Quỳnh Minh, việc cải tạo hệ thống thủy lợi, đưa nước tưới lên những vùng đồng bãi, cùng định hướng chuyển đổi cây trồng sang các loại cây mang tính hàng hóa cao, hình thành vùng chuyên canh màu đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, tư vấn khuyến nông, gia đình ông Đông làm nhiều vụ liền thành công với việc nuôi lợn giống và thực hiện luân canh cây màu, cây vụ đông như dưa chuột xuất khẩu, cây ớt…thu nhập mỗi năm gần 80 triệu đồng. Ông Đông cho biết: "Từ khi xây dựng nông thôn mới thì làng quê cũng như đời sống người dân thay đổi nhiều lắm. Gia đình tôi nhờ chăn nuôi lợn rồi trồng hơn 1 mẫu ruộng lúa, cây mày thì kinh tế cũng no đủ. Hợp tác xã giúp bà con rất nhiều trong việc cung cấp giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp bà con bao tiêu sản phẩm. Xây dựng nông thôn mới thì từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, cơ bản đã cứng hóa mương cấp 1, rồi đưa máy móc vào sản xuất."
Vùng trồng ớt ở Quỳnh Minh - Ảnh: thaibinh.gov.vn
Cũng như ông Nguyễn Văn Đông, bà Nguyễn Thị Luyến ở thôn Thượng Xá phấn khởi vì không chỉ bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc với đường làng, ngõ xóm, khu dân cư được quy hoạch đẹp đẽ, khang trang mà gia đình bà nhờ được sự hỗ trợ về giống, vốn để sản xuất nên đã thoát nghèo. Nhận thức rõ lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, bà Luyến cùng bà con trong xã luôn ủng hộ và đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa, hiến đất, góp tiền và ngày công làm đường giao thông… Bà Luyến nói: "Gia đình tôi luôn ủng hộ mọi chủ trương mà chính quyền đưa ra, như góp đất, ngày công làm thủ giao thông thủy lợi, góp vốn làm hệ thống nước sạch... Gia đình tôi cũng tự nguyện phá tường rào, lùi vào sâu để nhường đất làm đường giao thông thôn. Tôi thấy rằng bất kỳ việc gì đem lại lợi ích cho người dân và làm thay đổi diện mạo làng xóm thì mọi người đều ủng hộ cả".
Được nhân dân ủng hộ và đồng thuận, nhưng đến nay sau 2 năm rưỡi triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới, xã Quỳnh Minh vẫn còn 10 tiêu chí chưa hoàn thành với nhiều khó khăn, vướng mắc. Thu nhập bình quân của người dân Quỳnh Minh mới đạt mức trung bình của huyện (theo tiêu chí mức thu nhập phải gấp 1,5 lần trung bình của tỉnh), tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm gần 40%. Công tác dồn điển đổi thửa – một nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thái Bình, xã Quỳnh Minh tuy đã hoàn thành chỉ sau 4 tháng vận động nhân dân, nhưng vẫn chưa tạo ra vùng sản xuất có quy mô lớn. Hiện nay số hộ gia đình có từ 2 – 4 thửa ruộng vẫn chiếm hơn 86%. Do đó, việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế. Ông Phạm Văn Vi, Ban Quản trị Hợp tác xã cho biết: "Hợp tác xã mới có 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy làm đất nên không đủ máy móc để phục vụ nhu cầu nông dân, chưa được 10%. Để phục vụ đủ 1 nghìn 400 hộ thì phải có 7 máy gặt và 15-16 máy làm đất. Bên cạnh đó, tuyến giao thông nội đồng mới được tuyến chính còn các tuyến phụ chưa hoàn thiện, bờ nhỏ nên việc cơ giới hóa cũng bất cập. Hợp tác xã dù đã cố gắng liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con, tránh để tư thương ép giá nhưng việc thu hút doanh nghiệp vẫn còn hạn chế."
Theo ông Nguyễn Quang Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Minh, khó khăn lớn nhất của xã hiện nay vẫn là vấn đề kinh phí. Trong 10 tiêu chí chưa đạt như: trục đường xã, thôn xóm, giao thông nội đồng, khu xử lý rác, nhà máy nước tập trung…tiêu chí nào cũng cần đến vốn. Do đó, xã chủ trương thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy sức mạnh toàn dân, dựa vào dân để lo cho dân: "Những tiêu chí còn lại là rất khó khăn, phải cần nhiều vốn đầu tư nên rất mong sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, bên cạnh đó là huy động từ sức dân. Một số ngành như điện lực hiện nay phải phối hợp với địa phương để tháo gỡ, quy hoạch được cho hoàn thiện sớm tiêu chí về điện. Ngoài ra, khi giải tỏa các công trình, mở rộng đường thì đụng chạm đến công trình người dân nhưng lại không có đền bù mà chỉ là tự nguyện nên xã xác định phải vận động và thuyết phục nhân dân. Chúng tôi rút ra kinh nghiệm là mọi công việc phải bàn bạc thấu đáo với nhân dân, và khi nhân dân đồng thuận thì mọi việc đều thành công".
Sự đổi mới của Quỳnh Minh là một niềm vui không nhỏ đối với người dân nơi đây nhưng để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2013 thì còn nhiều việc để làm. Trong quá trình đó, xác định được những khó khăn, vướng mắc lại là tín hiệu đáng mừng, bởi từ đó chính quyền và nhân dân chủ động tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để tiếp tục tháo gỡ từng việc một cách thống nhất, đồng bộ./.
Lan Anh
Nguồn: Đài Tiếng nói Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn