"Huyện Quốc Oai có 20 xã xây dựng NTM, trong đó 2 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Đông Xuân và Phú Mãn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Là huyện nông nghiệp, nhưng người dân chủ yếu canh tác các giống cũ nên năng suất, hiệu quả thấp... Đó là những thách thức của Quốc Oai trong quá trình xây dựng NTM" - ông Vũ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết…
Từ năm 2009, Huyện ủy Quốc Oai đã ra nghị quyết chuyên đề và UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, đầu tư kinh phí hỗ trợ nông dân cải tạo bộ giống. Trong 3 năm triển khai, huyện đã đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho 14.300 hộ của 15 xã, với tổng diện tích 855ha, góp phần vào việc thay đổi cơ cấu giống. Nhờ vậy, đã dần đưa được bộ giống lúa có năng suất, giá trị cao như các giống: BC 15, BT số 7, BTR 45 vào sản xuất (chiếm 37%) thay thế các giống KD, Q5. Huyện cũng đã tiếp nhận 200ha thuộc chương trình lúa hàng hóa ở xã Nghĩa Hương và xã Tân Hòa; tiếp nhận đề án cây ăn quả ở xã Đại Thành, với diện tích trên 100ha. Cùng với đưa các giống mới vào sản xuất, Quốc Oai đã triển khai trương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp. Huyện đã hỗ trợ mua 7 máy cấy và 10 máy làm đất cho các HTX, làm giảm ngày công lao động, tăng năng suất cây trồng…
Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng, từ năm 2011 đến nay, Quốc Oai đã huy động được hơn 697 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 53 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 44 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 3 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các dự án khác là 592 tỷ đồng… và hơn 2,6 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Đặc biệt, có 1.423 hộ gia đình đã tự nguyện hiến gần 43.000m2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và hàng chục nghìn ngày công lao động… Đến nay, huyện Quốc Oai đã có xã Nghĩa Hương đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, một xã đạt 15-18 tiêu chí; 17 xã đạt 10-14 tiêu chí và 4 xã đạt 5-9 tiêu chí.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Sen cho rằng, dù đã có những chuyển biến tích cực, song công cuộc xây dựng NTM của địa phương vẫn còn không ít khó khăn. Đến nay, Quốc Oai mới duy nhất xã Đông Xuân có nhà văn hóa xã nhưng cũng chưa đạt chuẩn. Toàn huyện có 95 thôn, 10 khu dân cư nhưng mới có 66 thôn có nhà văn hóa (chiếm 62,85%); có 7 xã có sân vận động (chiếm 35%), song chưa có kết cấu hạ tầng và thiết bị đạt chuẩn; 13 xã còn lại chưa có khu thể thao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vẫn còn yếu. "Trạm bơn Yên Sơn được xây dựng từ những năm 1962-1963, bảo đảm tiêu nước cho cả một vùng của huyện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, rất cần được đầu tư mới. Tuyến đê tả Tích cũng rất xung yếu, mùa mưa bão năm nào cũng bị sạt trượt, cần nguồn kinh phí lớn để sửa chữa… ông Hoàng Sen cho biết thêm. Cũng theo vị chủ tịch huyện, để tháo gỡ khó khăn về vốn, thành phố cần phân cấp rõ hơn cho huyện, cụ thể là được chủ động toàn bộ trong việc đấu giá đất xen kẹt ở khu dân cư đã được phê duyệt; quan tâm đầu tư, bố trí vốn cho các dự án trong đề án xây dựng NTM của các địa phương, vốn lồng ghép cho các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn