Nông thôn Nam Định đang trở thành những vùng quê đáng sống với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường, cảnh quan trong lành, sạch đẹp, thu nhập và đời sống của người dân ngày càng cao...
Lựa chọn cách làm phù hợp Tỉnh Nam Định nói chung, các địa phương trong tỉnh nói riêng khi triển khai xây dựng nông thôn mới có xuất phát điểm thấp, vấp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân đã nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình và tự nguyện góp công, góp của xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm “làm từ đồng về nhà, từ nhà ra xóm, từ xóm lên xã”, phát huy dân chủ, công khai minh bạch, những gì mang lại lợi ích thiết thực thì làm trước nên nhiều việc khó, các vấn đề tồn đọng đã từng bước được tháo gỡ. Nhờ đó, các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới đã nhanh chóng hoàn thành. Để đạt được mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân nông thôn, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các địa phương đã lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp nhằm tạo “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Là vùng ven biển, các huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy đã chú trọng phát triển kinh tế biển, vận động nhân dân hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư để xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế cho người dân.
Đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng tại huyện Nam Trực (Nam Định) |
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng Nguyễn Văn Thắng cho biết, huyện triển khai nhiều công trình trọng điểm như: xây dựng Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông, cầu Thịnh Long, đường trục phát triển kinh tế nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm và là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện là vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đảm bảo tiến độ. Việc tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư triển khai các hạng mục công trình đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành diện mạo nông thôn mới ở vùng cửa biển này.
Bên cạnh đó, Nghĩa Hưng cũng chỉ đạo các xã chuyển 800 ha trồng lúa nhiễm mặn kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình liên kết nuôi cá bống bớp, cá mú, trồng dược liệu cho thu nhập cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn theo ông Mai Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy, huyện có gần 2.000 hộ nuôi trồng thủy sản, do đó nhu cầu cung ứng con giống rất lớn. Để đảm bảo chất lượng con giống thủy sản cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, Giao Thủy đã tạo điều kiện cho các hộ xây dựng trên 220 cơ sở, trang trại sản xuất giống kết hợp nuôi trồng thủy sản. Sản lượng giống thủy sản hàng năm của huyện đạt 17 tỷ con, với giá trị ước tính trên 20 tỷ đồng.
Giao Thủy cũng khai thác hiệu quả tiềm năng của Vườn Quốc gia Xuân Thủy để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Trung bình mỗi năm Giao Thủy thu hút khoảng 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế về thăm quan, cho doanh thu trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đang được nhân rộng tạo thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Với lợi thế địa hình bằng phẳng, điều kiện tưới tiêu thuận lợi, huyện Trực Ninh và Xuân Trường đã thực hiện hiệu quả việc dồn điền đổi thửa nhằm tạo bước chuyển mới trong nông nghiệp, xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh Lưu Văn Dương khẳng định: đó là lựa chọn phù hợp góp phần khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Sau dồn điển đổi thửa đất nông nghiệp, số thửa bình quân từ 3,51 thửa/hộ giảm xuống còn 1,82 thửa/hộ. Dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện để địa phương hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với hàng chục cánh đồng lớn, mỗi vùng quy mô từ 30 - 50 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trực Ninh đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động. Hiện một số doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất lúa gạo, trồng rau, củ, quả sạch, chăn nuôi xuất khẩu, mở ra hướng đi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường Đặng Ngọc Cường thông tin, là địa phương có đông đồng bào công giáo (khoảng 30% dân số toàn huyện), được xem là trung tâm Công giáo của tỉnh Nam Định. Huyện Xuân Trường đã thành công trong việc tranh thủ, phát huy vai trò của các vị linh mục, tu sĩ, các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động lương giáo đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới. Các chức sắc tôn giáo luôn gương mẫu đi đầu tham gia, vận động nhân dân hiến đất, góp công, huy động nguồn lực chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, xóm, xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt...
Hình thành diện mạo nông thôn mới Tỉnh Nam Định có 5/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới gồm Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh và Giao Thủy; trong đó, Hải Hậu là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Nam Định vào năm 2015, 4 huyện còn lại được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan chia sẻ, Nam Định xác định lấy thôn xóm là cơ sở, gia đình là hạt nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh không trông chờ từ nguồn vốn của Nhà nước mà chủ động phát huy nội lực, nguồn lực trong dân.
Giai đoạn 2011 - 2017, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt gần 16.500 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm 27,7%, còn lại là vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng dân cư. Các hộ dân đã góp gần 3.000 ha đất nông nghiệp (ước tính trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng) và hơn 200 ha đất thổ cư (ước tính trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi.
Chăm sóc giáo dục trẻ tại Trường Mầm non Hải Trung, huyện Hải Hậu (Nam Định) |
Nam Định đã kết hợp các nguồn lực xã hội hóa và ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân.
Để thay đổi diện mạo nông thôn, từ năm 2010 - 2018, Nam Định đã tập trung đầu tư mạnh cho các hạng mục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, cải tạo lưới điện, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch...
Ông Nguyễn Phùng Hoan nhìn nhận, so với năm 2010, phần lớn hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã trên địa bàn tỉnh được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây mới khá đồng bộ, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh. Điều kiện sống, đi lại, học tập, sinh hoạt của người dân nông thôn thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Các nhu cầu về điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn. Hệ thống thông tin truyền thông phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, giúp nâng cao hiểu biết để áp dụng trong học tập, lao động, sản xuất. Đồng thời, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp kịp thời đến với nhân dân...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Nam Định đã tăng từ 12,7 triệu đồng/người vào năm 2010 lên trên 30 triệu đồng/người vào năm 2015. Ước tính thu nhập bình quân của người dân ở các xã được công nhận nông thôn mới năm 2017 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
Tại Nam Định đã xuất hiện ngày càng nhiều các “triệu phú” làng quê với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ biết khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nam Định phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới. Với mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới bền vững, kiểu mẫu, thời gian tới Nam Định tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh cũng tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh ở vùng nông thôn; hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng xã hội hóa, phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng “ly nông, không ly hương”...
Theo Vũ Văn Đạt/baotintuc.vn