Lên “khung” hạ tầng kỹ thuật
Theo đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020”, có 4 trụ cột chính sẽ trở thành bộ khung định hướng cho tất cả các hạ tầng và ứng dụng gồm: Trung tâm dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng quy hoạch chiến lược và Trung tâm an toàn thông tin.
Khoảng một năm qua, Ban điều hành Đề án Smart City của TP.HCM đã tiến hành làm việc với các viện, trường, các cơ quan nghiên cứu, giới doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ để xây dựng một số chương trình mục tiêu xúc tiến khâu nghiên cứu bộ “khung” cho thành phố thông minh theo những tiêu chuẩn công nghệ nhất định. Các ứng dụng và sản phẩm của bất kỳ DN, tổ chức nào được xây dựng trên cơ sở này sẽ không chỉ kết nối, chia sẻ được dữ liệu với nhau mà còn có thể thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai của thế giới.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM còn cho hay kế hoạch triển khai cụ thể các hạng mục cần thực hiện sẽ được thông qua ngay vào dịp đầu năm 2018. Trên nền tảng này, các sở ngành, quận huyện có thêm đề xuất cho phù hợp với tổng thể chung.
Chủ trương của TP.HCM là mong muốn làm dần, từ những quy mô nhỏ và bằng chính nguồn nội lực trong nước chứ không phải hoàn toàn đi mua các công nghệ nước ngoài. Bởi bên cạnh chuyện chi phí lớn thì kinh nghiệm cho thấy những dự án hoàn toàn nhập khẩu công nghệ nước ngoài thường có độ “vênh” với thực tế trong nước, không ít khi gặp thất bại bởi từng địa phương, từng quốc gia, từng nền văn hóa có những đặc thù riêng.
Chuẩn bị hạ tầng khoa học và nhân lực
Vậy với hạ tầng kỹ thuật hiện nay và năng lực của đội ngũ khoa học trong nước thì các ứng dụng, giải pháp cụ thể cho thành phố thông minh có thể… “thông minh” tới mức nào? Trả lời câu hỏi này, người đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM khẳng định “dù không tự ti nhưng về lực lượng khoa học trong nước nhưng vẫn muốn có sự hợp tác và hỗ trợ tốt nhất từ quốc tế”, đặc biệt là với những tên tuổi lớn trong xây dựng hệ thống giải pháp cho thành phố thông minh như Mỹ hay Phần Lan.
Tương tự, để có nguồn nhân lực quản lý, vận hành thành phố thông minh, hiện nay Sở Nội vụ được giao cùng các sở ngành lên kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực với sự hỗ trợ của các tổ chức có kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Tất nhiên, với một nơi đang bị cho là chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, quá tải hạ tầng và thiếu thốn đầu tư như TP.HCM thì sẽ là quá tham vọng nếu mong đợi một bước “nhảy vọt” nào đó để trở thành đô thị thông minh trong một sớm một chiều. Vì vậy, cách thức được nhiều thành viên Ban Điều hành Đề án đồng thuận là đi dần từ những ứng dụng cụ thể để xác tín tính hiệu quả. Sau đó mới đầu tư nhân rộng.
Từ góc nhìn kỹ thuật và kinh tế, tiết kiệm năng lượng đang là thách thức lớn của thành phố thông minh. Sẽ khó mà sử dụng hạ tầng viễn thông hiện tại cho hệ thống hàng triệu cảm biến thông minh của smart city. Đương nhiên, lý thuyết cho phép truyền dẫn dữ liệu từ lượng cảm biến này về trung tâm điều hành và ngược lại thông qua mạng 3G, 4G, wifi hoặc cáp hữu tuyến nhưng thực tế sẽ rất khó khả thi vì chi phí vận hành là cực kỳ lớn. “Làm sao hàng ngày có thể sạc pin cả triệu thiết bị chứa cảm biến như vậy trên khắp thành phố? Thế nên phải nghiên cứu một chuẩn truyền dẫn khác làm sao tiết kiệm năng lượng nhất”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Nguyễn Việt Dũng nêu thách thức.
Đâu là giải pháp tài chính khả thi?
Trả lời câu hỏi cần bao nhiêu tiền để xây dựng được một đô thị đủ để gọi là thành phố thông minh thì hiện chưa có thông tin nào công khai nói về con số này nhưng theo ước tính của giới chuyên gia công nghệ thì đó sẽ là một con số rất lớn.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến, chủ trương của Thành phố là thuê dịch vụ, phần mềm, sản phẩm công nghệ cho “đại dự án” thay vì chỉ đầu tư ngân sách nhà nước để mua đứt-bán đoạn. “Tốc độ phát triển của công nghệ, kỹ thuật hiện nay như vũ bão trong lúc ngân sách thì hạn chế, thủ tục đầu tư vẫn còn nhiêu khê nên có khi xin được chủ trương thì công nghệ hay sản phẩm ấy lạc hậu mất rồi”, ông Tuyến giải thích thêm.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - Lê Quốc Cường cũng cho hay sẽ có hội nghị kêu gọi đầu tư để các DN, tổ chức có thể tham gia giới thiệu sản phẩm cũng như cung cấp giải pháp tài chính triển khai các ứng dụng cho đô thị thông minh. Như vậy, việc triển khai các ứng dụng thông minh không chỉ dựa vào hình thức đi thuê dịch vụ mà còn có thể mở ra cơ hội lớn cho mô hình đối tác công- tư (PPP).
Nhưng hợp tác như thế nào, theo ông Nguyễn Việt Dũng, “có lẽ cần công bố trước các mô hình PPP cho từng giải pháp, từng ứng dụng công nghệ một cách cụ thể chứ để người ta nghiên cứu xây dựng xong, mất mấy năm trời với bao nhiêu chi phí, rồi Thành phố bảo không có tiền mua thì... không ổn”.
Được biết, hiện TP.HCM vẫn đang dùng ngân sách để đảm trách phần nghiên cứu khoa học cho “đại dự án” đầy tham vọng này!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn