Để đảm bảo quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp, Bộ Công thương đã có quyết định ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết thu mua, tiêu thụ lúa gạo giai đoạn 2015 - 2020.
Xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết lợi ích, trách nhiệm các bên liên kết
Theo đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo buộc phải có vùng nguyên liệu và có hợp đồng ký kết với nông dân hoặc đại diện nông dân theo diện tích đã được quy định và theo lộ trình cụ thể.
Khi quyết định trên có hiệu lực (từ 1/3/2015) giúp quá trình vận hành hệ thống liên kết, bao tiêu thực hiện quyết liệt hơn nhằm đảm bảo đầu ra cho ngành hàng lúa gạo.
Đồng Tháp là tỉnh đi đầu trong công tác triển khai cánh đồng liên kết đã mang lại kết quả tốt. Ông Phan Kim Sa, PGĐ Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, quy mô tối thiểu ban đầu và lộ trình tối thiểu tăng dần vùng nguyên liệu của doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020được Bộ Công Thương xác định dựa trên lượng gạo xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2013 của từng doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn/năm, trong năm đầu tiên phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 ha, từ năm thứ hai trở sẽ tăng thêm 300 ha/năm. Doanh nghiệp có lượng gạo xuất khẩu từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn gạo/năm, năm đầu làm 800 ha, những năm sau tăng thêm 500 ha/năm.
Với doanh nghiệp xuất khẩu từ trên 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 1.200 ha, những năm sau tăng thêm 800 ha/năm. Còn doanh nghiệp xuất khẩu từ 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 2.000 ha và những năm sau tăng thêm 1.500 ha/năm.
Ông Sa cho biết thêm, khi quyết định có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo xuất khẩu không cảm thấy đây là áp lực đối với họ mà là tín hiệu mới, làm ăn có lộ trình.
Công ty TNHH Thương mại XNK Lộc Anh là doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai chương trình liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân Đồng Tháp. Công ty đã thực hiện liên kết được 10 vụ lúa với diện tích hàng năm hàng ngàn ha. Vốn là doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên khi áp dụng lộ trình không gặp khó khăn lắm.
Ông Đoàn Văn Hiền, Chủ tịch HĐTV Công ty Lộc Anh cho biết, nhiều công ty lương thực bày tỏ lo ngại khi thực hiện đúng theo lộ trình của quyết định vào năm 2016. Bởi khi đó doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu liên kết sản xuất 500 ha/năm trở lên và phải có thành tích xuất khẩu đạt trên 50.000 tấn gạo/năm. Tùy thuộc vào điều kiện mà mỗi năm sau, chỉ tiêu này sẽ được điều chỉnh tăng. Đối với nhiều doanh nghiệp mới tham gia liên kết tại Đồng Tháp thì đây rõ ràng là một áp lực. Tuy nhiên các doanh nghiệp đang thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo thì hoàn toàn có khả năng đáp ứng chỉ tiêu này.
Theo nhiều công ty thì vấn đề khiến họ quan tâm là khả năng bảo quản, tạm trữ của các hợp tác xã chưa đảm bảo tốt khi bước vào vụ thu hoạch rộ. Vì họ trực tiếp thu mua lúa của nông dân sau đó mới chuyển đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, rất dễ làm ảnh hưởng chất lượng hạt gạo.
“Đây là hướng làm ăn mới, tăng thêm tính bền vững vì trước đây doanh nghiệp và nông dân thường “bẻ kèo” phá vỡ hợp đồng với nhau trong giờ "chót". Đồng thời là trách nhiệm giữa hai bên, xác định rõ tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt tổng thể để thực hiện quyết định này đối với nhiều doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc...” ông Đặng Văn Khương, PGĐ công ty Lương thực Đồng Tháp chia sẻ.
Hoàng Vũ - Minh Trường (nongnghiep.vn)