Hàng triệu hộ nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung rơi vào khó khăn do hạn hán, xâm mặn. Thưa ông, người nông dân ở những khu vực này có được trả tiền BHNN không?
Không hộ nông dân nào được đền bù do Chương trình thí điểm BHNN theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg được thực hiện từ năm 2011 và đến năm 2013 đã chấm dứt. Người dân không tham gia mua BHNN nữa, đương nhiên không được đền bù khi gặp thiên tai, hạn hán.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính )
Tôi muốn nói thêm rằng, thực hiện Quyết định 315/2011/QĐ-TTg, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho hộ cận nghèo, hỗ trợ 60% cho các hộ còn lại và hỗ trợ 20% phí BHNN cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Kết quả là đã có trên 304.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm đạt gần 7.748 tỷ đồng, tổng số phí thu được là 394 tỷ đồng (ngân sách nhà nước bỏ ra 303 tỷ đồng) và tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là gần 713 tỷ đồng.
Kết quả ở trên cho thấy, triển khai BHNN, doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ rất nặng. Đây chính là lý do không doanh nghiệp nào muốn bán sản phẩm này khi chương trình thí điểm kết thúc?
Thu phí bảo hiểm được 394 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại 713 tỷ đồng, nếu cộng các loại chi phí phải bỏ ra để triển khai sản phẩm này thì các doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ rất nặng.
Biết trước được rủi ro khi triển khai BHNN rất lớn, nên các doanh nghiệp bảo hiểm đã tái bảo hiểm ra nước ngoài, nhưng chỉ được một năm, sau đó doanh nghiệp nước ngoài cũng không nhận tái bảo hiểm nữa, do Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt, hạn hán, bão lũ mỗi năm một nhiều hơn, cường độ khốc liệt hơn. Chưa kể, việc chấp hành quy trình chăn nuôi, trồng trọt của người dân cũng không thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn, khiến dịch bệnh xảy ra với vật nuôi, cây trồng xảy ra thường xuyên, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp cả do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan rất lớn, nên sau khi hết chương trình thí điểm, không doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn tiếp tục triển khai.
Và bản thân người nông dân cũng không muốn tham gia?
Ngược lại, người nông dân nhận thức rất rõ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, nên họ rất muốn tham gia, phòng khi có bất trắc xảy ra họ có nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư , sản xuất và đời sống không bị ảnh hưởng nhiều. Chương trình thí điểm BHNN được triển khai tại 20 tỉnh, nhưng thực tế chỉ triển khai tại 180 xã, mà có tới trên 304.000 hộ nông dân tham gia, trong đó tỷ lệ hộ tham gia BHNN không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo rất lớn đã cho thấy, người nông dân rất cần bệ đỡ tài chính này.
Nhưng người nông dân tham gia khi họ được ngân sách nhà nước mua hộ 100%, 80% hoặc 60% phí bảo hiểm. Còn trên thực tế, như ông thấy, nếu không ốm đau, bệnh tật thì đến bảo hiểm y tế người nông dân cũng không mua?
Chính vì vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, tác động lớn đến đời sống kinh tế , xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai BHNN là hết sức cần thiết, vì thế cần có chính sách khuyến khích người dân tham gia mua bảo hiểm.
BHNN được Chính phủ đặc biệt quan tâm, bởi đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định xã hội, phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, thời tiết.
Giải pháp ra sao, khi doanh nghiệp bảo hiểm không muốn bán sản phẩm vì càng làm càng lỗ và bản thân người dân cũng không muốn tham gia nếu không được hỗ trợ phí bảo hiểm?
Rất mừng là sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp.
Trên đà này, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp gồm Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục BHNN.
BHNN sẽ không giới hạn đối tượng, không giới hạn địa bàn triển khai (chương trình thí điểm chỉ giới hạn sản phẩm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi và tôm, cá tại 20 tỉnh với 30 huyện và 180 xã). Chương trình bảo hiểm thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và người dân. Để khuyến khích người dân và doanh nghiệp cùng tham gia, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí người dân mua BHNN, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo.
Với các địa phương kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, khi xảy ra thiên tai, hạn hán, bão lũ thì kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên khi có cơ chế mới, tôi nghĩ rằng nhiều địa phương sẵn sàng bỏ kinh phí ra hỗ trợ mua BHNN cho một số đối tượng, người dân được hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm chắc chắn sẽ tham gia tích cực, qua đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bán bảo hiểm trở lại.
Mạnh Bôn
theo báo Đầu Tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn