Một bệnh nhân ung thư xương ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Báo Đất việt. |
Ông Nguyễn Đình Thọ, Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Phong cho biết: con số 50 người chết vì ung thư là tính tổng trong toàn xã nhưng riêng cụm dân cư ở giữa thôn 5 đã chiếm 60% số lượng người bệnh, với nhiều độ tuổi khác nhau, người trẻ nhất là cháu Nguyễn Văn Q, 5 tuổi, chết vì ung thư máu.
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên “xóm ung thư” lại được đặt tên như thế. Chỉ một xóm nhỏ với những ngôi nhà nằm sát cạnh nhau nhưng những năm qua cảnh tang tóc cứ bao trùm lên không gian chật hẹp này.
Theo chân Trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Đình Thọ, chúng tôi về thôn 5, xã Quảng Phong. Xóm nhỏ đìu hiu khoảng 30 hộ dân thì đã có khoảng 20 người chết vì căn bệnh ung thư và hầu như năm nào cũng có người bị chết vì căn bệnh này, có gia đình đến 2 người bị chết như vợ chồng ông Nguyễn Văn Cừ (mất năm 2006) và bà Nguyễn Thị Bình (mất năm 2008).
Ông Thọ cho biết: Hầu hết những người ở đây chết vì căn bệnh này đều phát hiện bệnh vào giai đoạn cuối. Từ khi phát hiện bệnh đến khi chết khoảng 3 đến 6 tháng.
Người dân nơi đây ít khi đi khám bệnh định kỳ, nếu có bệnh gì thì cũng khám qua và mua thuốc về uống. Nhưng nguyên nhân vì sao trong một xóm nhỏ mà có quá nhiều người chết vì căn bệnh ung thư thì không thể giải thích được và mọi người rất lo lắng.
Sự bất thường tại thôn 5 cũng đã có nhiều người đưa ra giả thuyết về nguyên nhân căn bệnh ung thư này nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định được. Có người nói do nguồn nước, nhưng cũng có người suy luận là do ảnh hưởng của kho thuốc sâu trước đây để lại. Tuy nhiên không ai chắc chắn về điều đó và cũng chưa có một kết luận khoa học nào về vấn đề này.
Từ xưa đến nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân Quảng Phong nói chung, thôn 5 nói riêng chủ yếu là giếng tự đào (giếng khơi) hoặc giếng khoan. Nguồn nước nhiễm phèn nặng nên các hộ phải xây bể để lọc nước một cách thủ công. Nhiều nhà xây bể chứa nước mưa nhưng do nắng hạn kéo dài trong những tháng qua nên lượng nước mưa dự trữ không đủ để ăn uống hàng ngày, đành phải dùng nước giếng nhiễm phèn sau khi lọc sơ qua.
Ngoài ra, kho chứa thuốc sâu của xã cũng là một nguyên nhân khiến mọi người lo lắng hơn. Bởi chỉ trong vòng bán kính 300m của kho thuốc sâu đã có hơn 20 người đã chết vì căn bệnh ung thư.
Ông Trần Khánh Hầu, 84 tuổi, thôn 5 xã Quảng Phong, nguyên đội trưởng đội 4 cho biết: Kho chứa thuốc sâu của xã được xây dựng từ năm 1968, với chiều rộng 4m và dài 7m dùng chứa thuốc bột và thùng vôn-va-tốc để phun cho lúa; đến năm 1986 kho mới phá bỏ. Liệu có phải bệnh ung thư xảy ra trong thôn là do ảnh hưởng của tàn tích kho thuốc sâu trước đây hay không thì chưa ai có thể khẳng định. Chưa kể, người dân ở đây còn nhắc đến nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Nỗi lo đó đang từng ngày lớn dần lên ở thôn nhỏ này.
Các cơ quan chức năng ở huyện và tỉnh Quảng Bình cần tiến hành kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân về việc này, giúp người dân nơi đây vơi bớt nỗi lo canh cánh về căn bệnh ung thư quái ác.
Nguyễn Đức Thọ
Theo Báo Tin tức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn